Quy định nhập khẩu tôm vào Mỹ làm khó doanh nghiệp
Chương trình giám sát nhập khẩu hải sản vào Mỹ (SIMP) đặt ra hàng loạt quy định từ giấy phép, tàu thuyền cho tới tư cách thường trú nhân ở Mỹ,... khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lúng túng.
Hiện nay, nhập khẩu tôm và bào ngư vào Mỹ chính thức được đưa vào SIMP theo quy định cuối cùng được Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 24.4.2018. Theo đó, từ sau ngày 31.12.2018 các nhà nhập khẩu phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của SIMP.
Quy định với tôm, bào ngư
Chương trình gồm 3 yêu cầu chính: cấp phép, báo cáo dữ liệu và lưu giữ hồ sơ với việc nhập khẩu một số loài hải sản và sản phẩm hải sản ưu tiên được xác định là có nhiều khả năng bị đánh bắt bất hợp pháp và/hoặc gian lận hải sản.
Giấy phép thương mại hải sản quốc tế được áp dụng cho các cá nhân, thực thể phải có cư trú tại Mỹ. Giấy phép có hiệu lực trong 1 năm và chi phí là 30 USD, được gia hạn hàng năm.
Lộ trình áp dụng SIMP.
Theo bà Celeste Leroux, chuyên gia của NOAA, điểm then chốt của chương trình là SIMP chỉ áp dụng cho các lô hàng hải sản vào Mỹ từ nước ngoài. “Nhà nhập khẩu trong hồ sơ là thường trú nhân ở Mỹ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành”, bà Celeste nhấn mạnh.
Hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc phải có là: thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS).
Hồ sơ chuỗi hành trình sử dụng tài liệu truy xuất từ thu hoạch đến nhập cảng phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong 2 năm và có thể được yêu cầu xuất trình khi kiểm tra.
Theo bà Celeste, chương trình SIMP được NOAA xây dựng nhằm đảm bảo các sản phẩm được bắt phi pháp, không khai báo và không theo quy đinh IUU hoặc hải sản gian lận sẽ không thâm nhập được vào thị trường hải sản 96 tỷ USD của Mỹ.
Thủ tục phức tạp
Theo quy định, giai đoạn 2 của SIMP được áp dụng cho 2 đối tượng là tôm và bào ngư, được áp dụng chính thức từ ngày 31.12.2018. Tại thị trường Việt Nam, tôm là đối tượng chính được quan tâm. Và các doanh nghiệp cảm thấy lúng túng vì nhiều thủ tục phức tạp, nhiều khái niệm chưa rõ ràng mà thời gian chuẩn bị quá gấp.
Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất sạch Việt Nam cho rằng những thủ tục rườm rà của SIMP gây ảnh hưởng nhất định đối với các nhà xuất khẩu.
Chương trình SIMP được NOAA xây dựng nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm phi pháp sẽ không thâm nhập được vào thị trường Mỹ.
Cụ thể như các quy định và tàu thuyền, thời giờ xuất nhập, trong đó khó khăn lớn nhất là quy định về thường trú nhân. Lâu nay, công ty làm việc qua đơn vị tư vấn đại diện tại Mỹ chứ chưa hề có đại diện pháp nhân ở Mỹ.
Theo ông Phục, vướng mắc này có thể bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp khác. Những quy định phức tạp này buộc phải có 1 đội ngũ để chuẩn bị hồ sơ, làm tốn thêm chi phí nhân công. “Thời hạn chỉ còn vài tháng, quá gấp gáp để chuẩn bị, hàng hóa xuất đi dễ bị ách tắc, sẽ làm ảnh hưởng nhiều khâu, nhiều bộ phận ”, ông Phục nói.
Theo bà Võ Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Công ty Seagift, hầu hết các các đơn vị nuôi trồng, sản xuất ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Các quy định về đánh bắt nuôi trồng như tàu phải có chiều dài từ 12 mét trở xuống, có tải trọng 20 tấn trở xuống hoặc lô hàng thủy sản nuôi trồng nhỏ phải dưới 1.000kg cần được giải thích kỹ hơn.
Trong nước, có những vùng, địa phương được quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Nhiều nông dân, nông trại sản xuất chỉ cần đáp ứng yêu cầu chứ không cần phải có giấy phép như quy định của NOAA.
Bà Celeste cho rằng, những trường hợp sản xuất nhỏ lẻ như thế ở Việt Nam là lần đầu tiên bà bắt gặp nên sẽ làm việc lại cụ thể với NOAA. Ít nhất, doanh nghiệp phải có bằng chứng, chứng minh được rằng nông dân đó đã được cấp phép theo quy hoạch.
Theo Vũ Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nước hiện đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện các chương trình truy xuất, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Các doanh nghiệp có kinh nghiệm hoàn toàn có thể đáp ứng các quy định mới của Mỹ.
“Các quy định NOAA đặt ra hầu như không thay đổi nhưng chưa có quy tắc hướng dẫn cụ thể. Sắp tới, VASEP sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Bộ NNPTNT hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hòe cho biết.
Ngày 1.1.2018 là thời hạn bắt buộc đối với hầu hết các loài ưu tiên có trong quy định. Mười ba loài đã được xác định là đặc biệt có nguy cơ bị đánh bắt IUU và/hoặc gian lận hải sản.
Các loài này đã được bảo hộ trong giai đoạn đầu tiên của SIPM và trong tương lai chương trình sẽ mở rộng để bảo hộ tất cả các loài hải sản: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, cua xanh (Đại Tây Dương), cá nục heo cờ (Mahi Mahi), cá mú, cua hoàng đế (đỏ), cá tuyết Thái Bình Dương, cá hồng, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm, cá ngừ (cá ngừ vây dài, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ vây xanh).
Riêng tôm và bào ngư sẽ được triển khai tuân thủ vào giai đoạn sau, khi các yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ tương đương đã được xây dựng cho hoạt động sản xuất tôm và bào ngư nuôi trồng trong nội địa Mỹ