TIN THỦY SẢN

Quy trình sản xuất giống cá sặc rằn cải tiến

Ảnh minh họa: nongdan.com.vn NGUYỄN QUANG TRÍ

Cá sặt rằn là loài cá bản địa, thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Mặc dù, các năm qua quy trình sản xuất giống nhân tạo cá sặt rằn đã có nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa khả quan. Để có quy trình sản xuất giống cá sặt rằn ổn định giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, KS. Phan Hữu Hội, phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Tiền Giang đã nghiên cứu tạo ra quy trình sản xuất giống cá sặt rằn cải tiến có thể đưa vào sản xuất đại trà.

 Chọn cá bố mẹ

Theo quy trình sản xuất giống cá sặc rằn cải tiến này, cá bố mẹ cho sinh sản phải được chọn lọc ở hai nơi khác nhau (khác đàn) để tránh hiện tượng trùng huyết làm ảnh hưởng đến chất lượng cá giống và nuôi thương phẩm sau này. Đàn cá bố mẹ cho sinh sản tối đa không quá 3 lần/năm và sử dụng không quá 3 năm kể từ lần tham gia sinh sản đầu tiên để con giống sản xuất ra có chất lượng tốt nhất.

Để phân biệt cá đực với cá cái để chọn cá bố mẹ cần dựa vào đặc điểm hình thái bên ngoài, cụ thể cá đực phần cuối vi bụng (gần tiếp giáp vi đuôi) vuốt nhẹ vào có độ nhám, cá cái thì không có. Các tài liệu trước đây chỉ nhận biết cá đực với các đặc điểm tia vây lưng kéo dài tới hoặc vượt khỏi gốc vây đuôi, các sọc màu đen xiên từ lưng xuống bụng rất rõ, màu sắc sặc sỡ.

Sau khi chọn xong cá bố mẹ thì tiến hành nuôi vỗ. Để dễ đánh bắt nên nuôi vỗ cá bố mẹ trong vèo có kích thước 3 mét x 8 mét x 1,2 mét giăng trên ao có thể nuôi vỗ được 50 - 70 kg cá bố mẹ. Trước đây, nuôi vỗ trong ao đất, khi đánh bắt cho sinh sản khó khăn, cá có đặc tính nhút nhát, đôi lúc bị sây sát làm cho cá tham gia sinh sản không tốt.

Tiêm kích dục tố

Theo KS. Phan Hữu Hội, điều quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình sản xuất giống là liều lượng tiêm kích dục tố để kích thích cá sinh sản phải ở mức phù hợp nhất. Nếu liều lượng kích dục tố cao thì cá bố mẹ chết, mắt cá bị lồi ra, tỷ lệ trứng thụ tinh, nở thấp và cá con nở ra yếu, tỷ lệ sống khâu ươm giống thấp.

Kích dục tố cần sử dụng theo 2 công thức sau: tiêm HCG với liều lượng 2.000 - 2.500 UI/kg cá cái; cá đực tiêm với liều bằng 1/4 - 1/3 liều cá cái; hay sử dụng phối hợp giữa HCG và LRH-A với liều lượng 2.000 UI/kg HCG + 40 µg LRH-A + 1/2 viên Motilium (thuốc đau bao tử)/kg cá cái; cá đực sử dụng 1/4 - 1/3 liều cá cái.

Khi đã tiêm kích dục tố cho cá xong thì bố trí cá đẻ trong thùng xốp với số lượng 2 cặp bố mẹ/thùng, đồng thời phải tạo không gian yên tĩnh, nhiệt độ thấp để cá đẻ nhiều (trên 80%), tỷ lệ thụ tinh cao (trên 90%). Còn quy trình cũ cho đẻ trong bể xi măng, cá nhút nhát tham gia sinh sản chỉ đạt 60%, tỷ lệ thụ tinh chỉ đạt 70%.

Ấp trứng

Sau khi cá đẻ trong thùng xốp xong, trước khi xuất bán hoặc đem ươm 12 giờ thì vớt ra thau nhựa chăm sóc, đạt tỷ lệ nở rất cao (80 - 90%). Ấp trứng cá bằng thau có đường kính 0,6 m với mật độ 50 - 60 ngàn con cá bột/thau rất tiện lợi trong chăm sóc, vớt trứng hư, xi phon chất dơ lắng đọng.

Đối với nông hộ không có điều kiện cho sinh sản trên bờ có thể bố trí cho đẻ trực tiếp tại ao ươm. Ao ươm cần phải được cải tạo thật kỹ như ươm các loài cá khác, lấy nước vào ao được từ 7 - 10 ngày thì tiến hành giăng vèo dưới ao, bố trí cho cá đẻ trong vèo có mái che nắng mưa. Sau 4 ngày cá đẻ, cá bột nở xong thì tiến hành tóm vèo lên bắt cá bố mẹ, còn cá bột cho ra khỏi vèo vào ao ươm. Đây là phương pháp mới mà trước đây chưa áp dụng.

Ươm lên cá giống

Cá bột mới ươm cho ăn bằng sữa dùng cho heo con ăn và thức ăn đậm đặc của các công ty thức ăn thủy sản, liều lượng và kích cỡ thức ăn phụ thuộc vào ngày tuổi và cỡ giống ươm mà điều chỉnh cho phù hợp. Sau 2 - 3 ngày ươm thả thêm moina (trứng nước) làm thức ăn tự nhiên cho cá. Trước đây dùng bột cá, cám, đậu nành, lòng đỏ trứng… tỷ lệ sống thấp hơn, cá chậm lớn, chi phí cao hơn.

Quy trình sản xuất giống này nâng tỷ lệ sống lên khoảng 25 - 28% so với 17 - 22% của quy trình cũ trước đây, chất lượng cá giống cũng đồng đều hơn trước. Để phòng ngừa bệnh cho cá giống thì trong khoảng thời gian cá giống đạt 18 - 20 ngày tuổi tạt sulfat đồng 1 - 2 lần với liều lượng 0,4 - 0,5 g/m3 nước. Quy trình cũ sử dụng nhiều loại thuốc trị không hiệu quả, cá chết nhiều.

KS. Phan Hữu Hội cho biết, quy trình sản xuất cá sặt rằn này đã đi vào thực tiễn sản xuất, dễ áp dụng tại gia đình, đã góp phần đẩy mạnh phong trào ươm sặt rằn giống ở các xã của huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Châu Thành (Tiền Giang) và các tỉnh lân cận phát triển mạnh. Kết quả thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất giống của nông dân đạt lợi nhuận bình quân 30 - 40 ngàn đồng/kg cá giống, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

NGUYỄN QUANG TRÍ Báo Khoa học phổ thông