TIN THỦY SẢN

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản vào năm 2022

Sẽ chấm dứt tình trạng vi phạm vào năm 2022 để gỡ "thẻ vàng" của EC. Ảnh: Fablegros. Thế Dũng

Ngày 13-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, TP ven biển liên quan đến việc Ủy ban châu Âu (EC) hồi cuối năm 2017 đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thực hiện khuyến nghị của EC, tính đến ngày 30-6, đã có 26.915 tàu cá chiều dài 15 m trở lên của Việt Nam được lắp đặt và có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 87,45%. Ngoài ra, số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%... Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau gần 4 năm thực hiện các biện pháp gỡ "thẻ vàng", phía EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết cũng như nỗ lực của Việt Nam.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động 30 tàu cùng máy bay không người lái để mở rộng phạm vi giám sát hoạt động khai thác thủy sản. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thực thi pháp luật trong xử lý đối tượng môi giới, tổ chức cho ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Về phía các địa phương, nhiều lãnh đạo nêu tình trạng ngư dân không ghi hoặc ghi không chính xác nhật ký khai thác; chủ tàu, ngư dân không bật thiết bị VMS hoặc không trả tiền thuê bao nên bị cắt dịch vụ... Từ đó, kiến nghị sớm sửa Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. "Hiện mức phạt đối với tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài là từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Đây là mức phạt khá lớn nhưng vấn đề là phải tổ chức xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe" - đại diện tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc EC đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam vừa ảnh hưởng đến ngành thủy sản và đời sống ngư dân vừa ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo để từng bước gỡ "thẻ vàng" và tuyệt đối không để nguy cơ bị "thẻ đỏ". Theo tinh thần chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương quyết tâm giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm quy định và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ "thẻ vàng" của EC.

Về giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời giao các bộ, ngành, 28 địa phương ven biển vào cuộc quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, trong đó cần quan tâm bố trí đầu tư ngân sách cho cảng cá, thiết bị VMS...

Thế Dũng Báo Người Lao Động