TIN THỦY SẢN

Rộn ràng mùa cá bông lau

Năm Tẻo bủa lưới “săn” cá bông lau - Ảnh: Tấn Phát Tấn Phát

Đêm tháng ba, sông Vàm Nao (An Giang) dường như náo nhiệt hơn vì đang vào cao điểm của mùa “săn” cá bông lau...

Vất vả mưu sinh

Trời về khuya, khúc sông Vàm Nao càng thêm lấp lánh bởi ánh đèn từ ghe, xuồng giăng câu, thả lưới. Anh Trần Văn Lợi (Tư Lợi) cho biết giá cá bông lau hiện dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Khi có cá, chỉ cần gọi điện thoại là thương lái đến tận nơi cân. Mỗi đêm chỉ cần dính 1 con là có thể kiếm bạc triệu nên ai cũng tranh thủ mang lưới ra giăng.

38 tuổi nhưng anh Tư Lợi đã có hơn 20 năm nối nghiệp cha làm nghề săn cá bông lau và đã từng nếm trải hết những vất vả, gian truân của nghề này. Rọi chiếc đèn pin theo luồng lưới, anh nói: “15 đêm rồi tôi chưa bắt được con cá bông lau nào. Hôm nay, giăng gần nửa đoạn sông mà chưa thấy lưới giật giềng, hy vọng tí nữa dính vài con gỡ lại tiền xăng, dầu”.

Theo kinh nghiệm của anh Tư Lợi, năm nào lũ lớn thì cá nhiều. Trước đây, thường khoảng tháng giêng ngư dân mới rục rịch chuẩn bị lưới, còn bây giờ nhiều người bám khúc sông này mưu sinh quanh năm. “Nghề giăng lưới cá bông lau khi buồn, khi vui. Ngày nào dính cá thì vui lắm, còn không thì buồn so, chẳng thiết cơm nước”, Tư Lợi trầm ngâm.

Hàng chục năm trời theo nghề săn cá bông lau, Tư Lợi nói anh vẫn chưa hiểu hết về loài cá này. Theo anh, có một điều lạ là vào mùa lũ bà con cũng đóng đáy, đặt lú nhưng chẳng thấy con cá nào. Vậy mà đến khi nước trong thì cá bông lau lại xuất hiện. “Có lần bắt được con cá bụng to, nghi có trứng, tôi chừa lại ăn nhưng khi mổ ra chỉ toàn là mỡ. Cha tôi cũng bảo cả đời theo nghề đánh bắt cá bông lau, ông cũng chưa từng thấy cá có trứng”, anh Tư Lợi nói.


Cá bông lau dính lưới còn sống được bán với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg - Ảnh: Tấn Phát

Hôm ghé thăm vợ chồng Năm Tẻo (Phạm Văn Tẻo, 46 tuổi) cũng là lúc gia đình anh đang tất bật chuẩn bị xuống mẻ lưới đêm. Năm Tẻo nói: “Cái nghề hạ bạc này đã ăn vào máu thịt, nhiều lúc định bỏ nghề lên bờ kiếm việc khác làm nhưng không “đoạn tuyệt” được. Bởi năm nào cũng vậy, cứ vào mùa đánh bắt cá bông lau cả xóm lại chộn rộn rủ rê, thế là lại xuống xuồng giăng cá”.

Nhà Năm Tẻo đông anh em, tất cả đều sống bằng nghề giăng lưới cá bông lau. Năm Tẻo luôn tự hào với cái nghề đã nuôi sống gia đình mình. Năm nào anh cũng sắm sửa giàn lưới cá bông lau lên đến 30 triệu đồng, giăng qua mùa, trừ chi phí còn lời được vài chục triệu.

Ngậm ngùi giũ lưới lên bờ

Hàng chục năm sống bằng nghề “gia truyền” nhưng khi cá ít dần nhiều ngư dân ở Vàm Nao cũng đành ngậm ngùi giũ lưới lên bờ. Ông Tám Kỷ (hơn 60 tuổi), một trong những người nổi tiếng ở sông Vàm Nao vì từng bắt được cá hô, cá tra dầu trên 100 kg và nhiều con cá bông lau to, cũng không nằm ngoài quy luật đó. “Ông nội tôi kể trước đó chưa ai biết giăng lưới cá bông lau. Một lần, ngư dân người Chăm ghé lại bến bán cá, bà con mới “học” nghề và duy trì cho đến nay”, ông Tám Kỷ cho biết. Thế nhưng khi nhắc đến nghề “săn” cá bông lau, ông Tám Kỷ hạ giọng: “Tính ra, tôi nghỉ đánh bắt cá trên sông Vàm Nao cũng khá lâu. Nghề này lúc trúng lúc thất, không bền vững. Mấy năm nay, bà con phải khai thác thêm nhiều loại cá khác tăng thu nhập, chứ chỉ trông chờ vào cá bông lau thì bấp bênh lắm”. 

Ông Trần Văn Toàn (Hai Toàn), một người “sát cá” nổi tiếng trên sông Vàm Nao, cho rằng nguồn cá bây giờ cạn kiệt hơn trước rất nhiều, bà con nhiều người đã lên bờ tìm việc khác ổn định hơn. Ông Hai Toàn cũng chia tay nghề săn loài cá đặc sản trên sông Vàm Nao đã hơn 5 năm. Ông cho biết không chỉ có cá bông lau, ngày trước ông từng giăng lưới dính cá đuối, cá tra dầu nặng vài chục đến cả trăm ký. Nhưng mấy chục năm dài gắn bó với nghề cũng chẳng dư giả gì. “Không chỉ ngư dân trong vùng mà nhiều người từ nơi khác cũng kéo đến sông Vàm Nao khai thác nên cá tôm ngày càng cạn kiệt”, Hai Toàn trầm ngâm.

Tấn Phát Báo Thanh Niên, 26/03/2014