TIN THỦY SẢN

Rong nho biển: Giàu giá trị kinh tế

Rong nho biển sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn Internet Vân Anh Tổng Hợp

Không chỉ là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, rong nho biển hiện còn được các địa phương áp dụng vào các mô hình nuôi trồng cho giá trị kinh tế cao, mở thêm hướng sản xuất cho người dân.

Đặc điểm Rong nho biển

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) còn gọi là trứng cá hồi xanh (green caviar) được sử dụng làm thức ăn truyền thống ở các nước Nhật Bản, Philippines… dưới dạng rau xanh hoặc salad.

Trong rong nho biển có chứa protein (7,4%), lipid (1,2%) cùng nhiều vitamin, khoáng, vi lượng cần thiết cho cơ thể. Do có giá trị kinh tế cao (giá bán ở thị trường Nhật Bản khoảng 60 USD/kg rong tươi) và nhu cầu tăng nhanh trong những năm gần đây nên rong nho biển đã được nuôi trồng tại Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Rong nho biển là nguồn thực phẩm có giá trị và cung cấp nhiều Vitamin A,C và các nguyên tố vi lượng như sắt, iod, calcium… Chính vì vậy mà rong nho có rất nhiều tác dụng: phòng chống các bệnh (như: bướu cổ, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thấp khớp và cao huyết áp...); Giúp nhuận trường, kháng khuẩn đường ruột, hấp thụ các kim loại độc hại trong cơ thể và thải qua ngoài qua đường bài tiết. Đặc biệt, hiện nay người ta sử dụng rong nho như 1 loại mỹ phẩm tự nhiên làm đẹp da, hoặc làm nguyên liệu massage toàn than. Chất Cauleparine có trong rong biển kích thích ăn uống ngon miệng, có tác dụng diệt khuẩn và gây tê nhẹ giúp bảo vệ đường tiêu hóa, làm sạch các lỗ chân long và bề mặt da, chống lão hóa, chống béo phì…

Cùng đó, các món ăn chế biến từ rong nho biển khá dễ ăn và rất bổ dưỡng. Người ta thường làm những món salad từ rong nho với các gia vị khác, rất dễ ăn mà vẫn giữ nguyên được các chất dinh dưỡng trong rong nho biển. Hoặc cũng có thể xay rong nho lấy nước uống; các món canh, xào từ rong nho biển thường rất bắt mắt bởi màu sắc xanh tươi của loại rong này.

Rong nho biển giàu giá trị

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, vùng biển của Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển gồm​ rong đỏ, rong lục, rong nâu, rong lam, với trữ lượng tự nhiên 80 ​- 100 tỷ tấn; thị trường tiêu thụ rộng lớn, rong biển được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, cả nước nuôi trồng khoảng 10.000 ha rong biển, sản lượng đạt hơn 101.000 tấn tươi/năm; tập trung ở các vùng ven biển gồm Bắc bộ gần 6.600 ha, Bắc Trung bộ hơn 2.000, Nam Trung bộ 1.400 ha, ĐBSCL 100 ha.

Từ năm 2004, rong nho, một loài thuộc rong biển, được nuôi trồng ở vùng ven biển phường Ninh Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Đến nay, vùng ven biển của địa phương này đã hình thành được vùng chuyên canh nuôi trồng rong nho để xuất khẩu lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, với quy mô hàng chục ha. Là một trong những đơn vị đầu tiên trồng rong nho ở khu vực này, Công ty CP Đại Dương VN hiện đang đưa sản phẩm rong nho biển ra thị trường thế giới như Nhật Bản, châu Âu… với giá khoảng 110.000 đồng/kg rong nho tươi. Sản phẩm rong nho khô xuất khẩu có giá cao gấp hơn 3 lần rong tươi. Đại diện Công ty cho biết, nuôi trồng rong nho cho hiệu quả không thua nuôi tôm trên cùng một đơn vị diện tích. Không những thế, nuôi trồng rong nho còn có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với nuôi các đối tượng thủy sản khác như: Cho thu hoạch quanh năm, sau 18 tháng nuôi mới phải vệ sinh ao nuôi, không bị thiệt hại khi có mưa lũ, giúp cải thiện môi trường nước vùng nuôi…

Hay tại thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, anh Nguyễn Văn Dỗng đã thành công với mô hình trồng rong nhỏ biển trong ao nuôi tôm vì theo chia sẻ của anh Dỗng, rong nho rất ưa nước biển mặn, nhất là các ao, đầm nuôi tôm. Từ 2 sào trồng rong nho thử nghiệm ban đầu, giờ anh đã mở rộng ra  hơn 3ha. Bình quân mỗi ngày anh Dỗng xuất bán 50 - 100 kg rong nho với giá 60.000 đồng/kg.

Vì có nhiều giá trị kinh tế mang lại từ rong nho biển, nên tại nhiều địa phương đã xây dựng thành công mô hình nuôi rong nho biển kết hợp với các đối tượng thủy sản cho hiệu quả cao. Như mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm, vẹm xanh và rong sụn tại vùng biển Khánh Hòa; nuôi kết hợp ốc hương, tu hài và rong câu ở vùng biển Phú Yên. Các mô hình canh tác tôm sú và rong câu cũng được sản xuất trên quy mô lớn ở nhiều tỉnh như Thái Bình 1.000 ha, Thanh Hóa 270 ha, Thừa Thiên - Huế 60 ha, Quảng Nam 90 ha...

Theo các chuyên gia, hầu hết các mô hình nuôi kết hợp đã cải thiện được môi trường vùng nuôi, tốc độ sinh trưởng của vật nuôi cao hơn và hiệu quả kinh tế thường tăng 1,5 - 3 lần so với nuôi đơn. Cùng đó, tạo ra nhiều loại sản phẩm, nguồn cung cấp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau, giảm rủi ro trong sản xuất và phân phối, sử dụng hiệu quả mặt nước. Rong biển được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp, để chế biến ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao…

Theo TS Nguyễn Thế Hân, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang, sản phẩm thu nhận từ rong biển được sử dụng nhiều trong thực phẩm và dược phẩm. Nhiều chất có hoạt tính sinh học quý cũng được tìm thấy và khai thác từ rong biển. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng và chế biến rong biển ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, do chưa có phương pháp khai thác, sơ chế và bảo quản phù hợp để có được nguồn rong biển nguyên liệu ổn định, có chất lượng tốt phục vụ cho quá trình chế biến.

Vân Anh Tổng Hợp TCTS