Rủi ro nuôi tôm nước lợ
Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay mới diễn ra hơn một tháng nhưng nhiều nông hộ như ngồi trên lửa vì tôm chết hàng loạt. Thực trạng bấp bênh, manh mún, tự phát của nghề nuôi tôm tái diễn trong nhiều năm qua đang rất cần những giải pháp thiết thực để ổn định sản xuất.
TÔM CHẾT HÀNG LOẠT
Tôm nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chết đồng loạt trong những ngày qua đang đặt ra vấn đề nên hay không nên công bố dịch bệnh.
Tâm điểm Tam Phú
Đầu tháng 2, gia đình ông Nguyễn Văn Liên (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) thả nuôi 15 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 6.000m2. Sau hơn 1 tháng thả nuôi, tôm đã chết đỏ ở 2 ao nuôi. “Tôm thẻ chân trắng đang nuôi đột nhiên lờ đờ, dạt vào bờ ao, biếng ăn. Tôi bổ sung men vi sinh, vitamin, các loại kháng chất, thuốc bổ gan, tụy nhưng bệnh trên tôm nuôi nặng thêm và không cứu vãn được. Lỡ tôm nuôi ở ao còn lại bị chết thì nợ nần chồng chất” - ông Liên than thở. Ước tính, thiệt hại xấp xỉ 50 triệu đồng. Trong đó, 10 vạn tôm giống hơn 15 triệu đồng, chi phí thức ăn gần 15 triệu đồng, các loại thuốc men xử lý khi tôm bị bệnh gần 10 triệu, còn lại là công cải tạo ao nuôi tôm, các phí tổn khác. Ông Liên nói: “Tôi đã thông báo lên UBND xã Tam Phú về tình trạng tôm chết trong những ngày qua nhưng không biết sao ngành chức năng của tỉnh, thành phố chưa đến lấy mẫu nước, mẫu tôm để xét nghiệm, cảnh báo bệnh trên tôm. Tôm thẻ chân trắng vẫn đang phát triển tốt ở ao nuôi còn lại, đây là hy vọng để tôi gỡ gạc lại số tiền đầu tư đã mất trắng”.
Thu hoạch tôm. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Phú cho biết, các nông hộ trên địa bàn đều thả nuôi tôm đúng lịch mùa vụ theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, bắt đầu từ ngày 1.2. Vậy nhưng, tôm nuôi đã chết đồng loạt ở cả 3 thôn là Phú Ngọc, Phú Quý và Quý Thượng với tổng diện tích hơn 60ha. “Năm nào cùng vậy, vụ nào cũng vậy, cứ thả nuôi tôm là cách chi cũng xảy ra cảnh tôm chết hàng loạt, dịch bệnh tràn lan. Nhiều hộ nợ nần chồng chất đã phải vay mượn tiếp để đầu tư nuôi tôm. Ước mong gỡ nợ của họ không những không thành mà còn thâm nợ nặng nề hơn. Không ai biết tôm chết do thời tiết thất thường, tôm giống kém, vùng nuôi không đảm bảo hay lý do nào khác nữa” - ông Tại nói.
Nên công bố dịch?
Vùng nuôi tôm rộng lớn dọc sông Trường Giang đoạn từ huyện Thăng Bình qua TP.Tam Kỳ đến Núi Thành hiu hắt. Các hộ nuôi tôm đang lo sợ dịch bệnh lây lan khiến họ không có cơ hội thu hoạch. Theo ông Huỳnh Lân (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình), chỉ cần rắn, rết hay chim, cò mang mầm bệnh từ ao nuôi này sang ao nuôi khác là bệnh trên tôm phát tán nhanh, không thể xử lý kịp dù có túc trực 24/24 giờ. “Thời tiết gần 10 ngày nay ít biến động nên tôi nghi ngờ tôm chết hàng loạt do các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy hoặc đường ruột. Các bệnh này chưa có cách chữa trị nên hễ tôm đã mắc phải là vô phương cứu chữa” - ông Lân nói. Ông Nguyễn Khách (thôn Tân Lập, xã Tam Tiến, Núi Thành) cho rằng, nếu tôm chết hàng loạt bởi các bệnh đốm trắng hay đường ruột thì ngành chức năng nên công bố dịch. “Khi công bố dịch bệnh trên tôm nuôi thì ngành thủy sản, các địa phương sẽ dùng Chlorin để xử lý khẩn cấp, triệt tiêu mầm bệnh, tránh lây lan từ ao này sang ao khác, vùng này sang vùng khác. Nông hộ sẽ được Nhà nước hỗ trợ do hầu hết đều thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng, nhất là lịch mùa vụ nuôi tôm” - ông Khách nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết đã nắm được diễn biến tôm chết ở nhiều khu vực nuôi trên địa bàn tỉnh. Có một số diện tích tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng. Về công bố dịch bệnh, bà Tâm cho rằng, việc này rất khó vì ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu tôm nuôi và phải triển khai nhiều thủ tục rắc rối, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động thủy sản của Quảng Nam. “Hầu hết tỉnh, thành khi có xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt với các bệnh nguy hiểm, tác hại lớn thì vẫn chưa cho phép công bố dịch bệnh. Cả nước như vậy, Quảng Nam không phải là ngoại lệ” - bà Tâm nói. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản thì các hộ nuôi tôm nên bình tĩnh, theo dõi sát các diễn biến của thời tiết, bệnh trên tôm nuôi, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đặc biệt thường xuyên bổ sung vitamin, kháng chất, men vi sinh, các chất bổ gan, tụy giúp tôm tăng sức đề kháng, miễn dịch với các bệnh nguy hiểm, vượt qua thời điểm khó khăn. Ở các vùng có tôm nuôi bị chết, nông hộ không nên xả thải ra ngoài vì có thể phát tán, lây lan mầm bệnh khiến tôm nuôi ở ao khác cũng bị bệnh mà chết.
HẠ TẦNG SƠ SÀI
Thiếu kênh cấp, kênh thoát nước; không ao lắng, ao xử lý nước thải; bờ ao nuôi thẩm lậu nước; chưa đảm bảo môi trường... là những nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm của Quảng Nam thiếu tính bền vững.
Ông Trịnh Phước dọn dẹp lại ao để tiếp tục nuôi tôm. Ảnh: QUANG VIỆT
Không đảm bảo
Sau khi tôm nuôi chết đồng loạt ở 4 ao nuôi trong những ngày qua, ông Trịnh Phước (thôn Đông Tác, xã Bình Nam, Thăng Bình) loay hoay dọn sạch ao nuôi tôm, khiêng đất gia cố bờ ao, phơi đáy ao, dự tính tiếp tục đầu tư nuôi tôm. Khi được hỏi bờ ao bằng đất có rỉ nước ra ngoài sông hoặc ngược lại thẩm thấu nước vào ao nuôi không thì ông Phước bảo rằng khó tránh khỏi. “Có thể môi trường nước trong ao nuôi tôm bị biến động do thẩm lậu nước khiến tôm dễ bị bệnh. Tuy nhiên, rủi ro trong nuôi tôm thì có đến hàng chục nguyên nhân” - ông Phước nói. Ông đã đầu tư nuôi tôm hơn 5 năm qua nhưng được ít mất nhiều.
Về thất bát nuôi tôm khiến nông hộ thua lỗ, nợ nần chồng chất, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, đâu có quy định nào của pháp luật nghiêm cấm hay xử phạt nông hộ đầu tư nuôi tôm trên những khu vực Nhà nước chưa thu hồi đất. Ngành khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần đầu tư lớn, thiếu nguồn lực thì chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác phù hợp nhưng nông hộ chọn nuôi tôm thì phải tổ chức sản xuất tốt và tự chịu trách nhiệm. “Trước mỗi vụ nuôi tôm, ngành thủy sản đều có hướng dẫn nông hộ cụ thể. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu nước sông, nước biển, nước ao nuôi tôm xét nghiệm, khuyến cáo nông hộ chủ động sản xuất” - bà Tâm nói.
Theo quan sát của chúng tôi, cả 4 vùng nuôi tôm ở xã Bình Nam, từ thôn Nghĩa Hòa, qua Đông Tác đến Phương Tân, Vịnh Giang, hạ tầng đều yếu kém. Không có kênh cấp, kênh thoát nước, nguồn nước nuôi tôm được dẫn trực tiếp từ sông vào ao nuôi. Không đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nên mầm bệnh dễ phát sinh tấn công khiến tôm nuôi dễ bị chết. Khi bệnh trên tôm nuôi phát tán, dịch bệnh rất dễ lây lan gây thiệt hại trên diện rộng. Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, toàn xã có 120ha diện tích nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Hạ tầng yếu kém cộng với nước sông Trường Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến cho tôm nuôi luôn bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Xã khuyến cáo các hộ nuôi tôm chuyển sang nuôi cá dìa, cá chẽm, cua hoặc các loại khác dễ nuôi hơn nhưng do đầu ra bấp bênh nên các hộ vẫn cứ nuôi tôm. “Xã không đủ sức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kiên cố để thuận lợi cho nuôi tôm. Xã cũng đã kiến nghị huyện, tỉnh quy hoạch, đầu tư một vùng nuôi tôm tập trung với các yếu tố hạ tầng đảm bảo, nhưng không kết quả. Vậy nên, nghề nuôi tôm vẫn cứ tự phát, được chăng hay chớ, nhỏ lẻ, manh mún” - ông Tốt nói.
Lo về hạ tầng
UBND TP.Tam Kỳ đề xuất tỉnh loại các vùng nuôi tôm trên địa bàn ra khỏi quy hoạch chung của tỉnh. “Những khu vực nuôi tôm ở các xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh, phường An Phú, phường Hòa Hương được thành phố định hướng phát triển các làng nghề, cảnh quan sông nước, đầm phá để phát triển du lịch sinh thái, qua đó thúc đẩy các loại hình dịch vụ. Trong khi đó, nuôi tôm bấp bênh do hạ tầng quá yếu kém nên Tam Kỳ muốn tỉnh loại các vùng nuôi tôm ra khỏi quy hoạch chung” - ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói. Theo ông Nam, địa phương không khuyến khích các hộ dân đầu tư nuôi tôm. Khi nào có dự án đầu tư ở những khu vực đang nuôi tôm thì người dân phải nhường đất để triển khai dự án.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, yếu kém hạ tầng khiến nuôi tôm thất bại nhiều hơn thành công là chuyện... biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ngành thủy sản tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kiên cố để nuôi tôm chứ ngân sách tỉnh, nguồn lực của người dân không thể đầu tư hàng chục tỷ đồng cho mỗi héc ta nuôi tôm. “Không thể trong ngày một, ngày hai có thể dịch chuyển nuôi tôm của Quảng Nam từ ngành kinh tế nhỏ lẻ sang công nghiệp, hiện đại được. Chúng ta chưa đủ điều kiện để có thể so sánh với các thủ phủ nuôi tôm của cả nước như Bạc Liêu, Sóc Trăng. Phải có một cú hích lớn thì nghề nuôi tôm của tỉnh mới đủ sức phát triển hàng hóa lớn theo định hướng” - bà Tâm nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao
UBND tỉnh đang giao Sở NN&PTNT tham mưu việc sắp xếp lại nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng đông sau khi có điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai. Quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất để liên kết với doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm theo hướng hàng hóa lớn, nâng cao giá trị kinh tế. Theo đó, nông hộ cần phối hợp chặt chẽ với nhau thành lập hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác (THT) nuôi tôm, dồn điền đổi thửa để liên kết với doanh nghiệp lớn, ví dụ như Công ty CP C.P Việt Nam để mua tôm giống sản xuất rồi bán tôm thương phẩm sau khi thu hoạch. Quảng Nam hiện có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nuôi tôm, các HTX, THT có thể tiếp cận để đầu tư lớn nuôi tôm.
Tỉnh đang trải thảm thu hút đầu tư của doanh nghiệp để khai phá tiềm năng lớn của nghề nuôi tôm nước lợ. Qua đó, doanh nghiệp có thể liên kết với nông hộ, HTX, THT hoặc mua đất, thuê đất của nông hộ để đầu tư. Đã có Công ty CP QNTEX (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đầu tư nuôi tôm trên diện tích lớn gần 100ha (doanh nghiệp đang đầu tư giai đoạn 1 là 6,5ha). Quảng Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để nuôi tôm công nghiệp, giảm chi phí, thu lãi lớn đồng thời đảm bảo môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Cần thay đổi tư duy nuôi tôm
Nuôi tôm nước lợ theo kiểu nhờ trời, được chăng hay chớ phải được xóa bỏ trong thời gian đến. Nuôi tôm cần đầu tư lớn nên phải xác lập cơ sở pháp lý vững chắc về đất đai. Nông hộ hay HTX, THT, doanh nghiệp cần phải hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư sản xuất lâu dài. Ngành nông nghiệp đang tham mưu UBND tỉnh hình thành các vùng nuôi tôm tập trung với sự đầu tư lớn về vốn của Nhà nước, doanh nghiệp. Theo đó, sẽ kiện toàn, đầu tư lại hệ thống thủy lợi đầu mối cấp 1, các công trình đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm, đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, khu xử lý nước thải. Tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai nuôi tôm VietGAP, kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm nuôi. Công tác quản lý nhà nước về nuôi tôm sẽ được tăng cường trên các lĩnh vực thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống; các cơ sở bán vật tư nuôi tôm như thức ăn, thuốc, chất cải tạo môi trường, men vi sinh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm ứng dụng thành quả khoa học, kỹ thuật tiến bộ, sản xuất tôm sạch, tuyệt đối không sử dụng chất cấm, nên dùng men vi sinh để đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.
NỖI LO TÔM GIỐNG
Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó vì chưa thể chủ động được nguồn cung tôm giống chất lượng.
Khó quản lý
Ông Huỳnh Mười (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) có gần 1ha diện tích nuôi tôm bị chết. Ông cho biết, có thể tôm giống kém chất lượng là nguyên nhân vì chúng yếu sức đề kháng, không đủ miễn dịch để vượt qua biến động của môi trường nước. Nhiều nông hộ khác có chung ý kiến như ông Mười vì cùng mua tôm giống trôi nổi trên thị trường về thả nuôi. “Muốn mua tôm giống của các thương hiệu lớn như C.P, Việt - Úc thì phải có mối quen biết, mua số lượng lớn nên nhiều khi mình không tiếp cận được” - ông Mười nói.
Quảng Nam cần có giải pháp thiết thực để vực dậy nghề nuôi tôm. Ảnh: QUANG VIỆT
Trại kinh doanh tôm giống T.H (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) có diện tích chỉ vỏn vẹn 100m2. Nơi đây diễn ra các hoạt động ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng từ post 8 lên post 10 hoặc post 12 để xuất bán ra thị trường. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của tôm giống, ông H. - chủ cơ sở kinh doanh tôm giống nói trên trả lời không rõ vì chỉ mua qua trung gian từ tỉnh Khánh Hòa. Hàng ngày ông H. lấy nước trực tiếp từ biển về, bố trí vào các bể, dùng hệ thống sục khí cung cấp oxy cho tôm sinh trưởng. Gian phòng thoảng mùi ẩm mốc, ánh sáng mờ mờ cho thấy tôm giống được ương nuôi trong điều kiện không đảm bảo. “Kinh doanh tôm giống chỉ đắp đổi qua ngày thôi. Khách hàng ngày càng ít ỏi, lượng tôm giống bán ra không nhiều, thu nhập bấp bênh nên đầu tư chưa bài bản” - ông H. nói. Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, mặc dù biết có vài hộ kinh doanh tôm giống không đảm bảo nhưng cũng chỉ nhắc nhở thôi chứ không thể xử phạt. “Thỉnh thoảng cơ quan chức năng của tỉnh có về kiểm tra điều kiện ương nuôi tôm giống của các cơ sở kinh doanh. Sau đó, kinh doanh tôm giống lại trở về với quỹ đạo cũ. Dần dà rồi các cơ sở này cũng bị đào thải thôi” - ông Hùng nói.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Quảng Nam hiện có 52 cơ sở cung cấp tôm giống, chủ yếu ở các xã Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành) và phường Điện Dương (Điện Bàn). Hộ nuôi tôm cần mua bao nhiêu cũng đủ nhưng chất lượng thì rất khó kiểm soát. Các cơ sở trên mua tôm giống từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa về ương dưỡng từ post nhỏ lên post lớn rồi bán ra thị trường. Tôm giống được nhập về Quảng Nam có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, được kiểm dịch nhưng theo ngành chức năng không chắc chắn có đảm bảo chất lượng phục vụ cho nuôi tôm hay không. “Hiện có nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh tôm giống đã không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu về năng lực, kỹ thuật, quy chuẩn trại giống, khiến chất lượng tôm giống đôi khi còn... bỏ ngỏ” - ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết.
Điệp khúc... chờ
Chất lượng tôm giống tốt là điều kiện cần để có thể kỳ vọng vào nuôi tôm nước lợ thành công. Quảng Nam đã đầu tư xây dựng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) từ nhiều năm qua, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống, chủ động nguồn cung cho hộ nuôi tôm. Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư gồm Công ty TNHH MTV Thủy sản Long Thịnh Hưng (Công ty Long Thịnh Hưng), Công ty CP Giống thủy sản Kim Hoàng (Công ty Kim Hoàng) và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ (Công ty Nam Mỹ). Theo đó, Công ty Long Thịnh Hưng cam kết đầu tư 15 tỷ đồng cho các hạng mục, cung cấp tôm giống ra thị trường vào tháng 12.2017, nhưng do thiếu vốn nên đề xuất UBND tỉnh gia hạn đến 9.2018. Tuy nhiên, đến nay dự án của công ty này vẫn dang dở. Theo ông Nguyễn Hoàng Phú Cường - Giám đốc Công ty Long Thịnh Hưng, công trình sản xuất tôm nuôi đang gặp bế tắc về vốn, chưa biết đến khi nào mới hoàn thiện các hạng mục để sản xuất tôm giống.
Ông Nguyễn Văn Hớn - Giám đốc Công ty Kim Hoàng cho biết, đến quý III.2019 sẽ hoàn thành các công trình, sản xuất tôm giống và cung cấp cho thị trường Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng khoảng 5 tỷ con giống/năm. Nhưng hiện công ty còn chưa hoàn thành phần móng của công trình sản xuất tôm giống. Ông Hớn khẳng định, sẽ lôi kéo thêm thợ xây dựng từ các đối tác ở các tỉnh miền Nam ra đầu tư và triển khai đúng tiến độ thi công, đi vào sản xuất. Còn ông Bùi Văn Chẫm - Giám đốc Công ty Nam Mỹ cho biết, nguồn vốn huy động đầu tư sản xuất giống là 25 tỷ đồng. Quy mô sản xuất là 500 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 250 triệu giống tôm sú và các loại giống cá, cua các loại mỗi năm. Dự kiến đến tháng 11 tới sẽ cung cấp lứa tôm giống đầu tiên ra thị trường. Nhưng hiện công ty này chưa khởi công xây dựng bất kỳ hạng mục nào.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, tỉnh đã tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống, còn đến bao giờ doanh nghiệp cung cấp ra thị trường thì chưa thể biết. Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại, không biết các công ty sản xuất tôm giống nhập tôm giống bố mẹ ở đâu, chất lượng ra sao để sinh sản tạo đàn giống. Chất lượng giống tôm bố mẹ trên cả nước hiện rất đáng báo động. Quy trình sản xuất tôm giống còn nhiều bất cập, chưa thể hy vọng gì về tôm giống sản xuất tại Quảng Nam trong thời gian đến.