TIN THỦY SẢN

Săn “cá khủng”

Con cá sủ dài 0,7m của Onggia&bienca bắt được vào tháng 11-2012 hoàng tuấn

Săn “cá khủng” là thú đam mê của nhiều cần thủ. Muốn bắt được một con “cá khủng”, cá hiếm đó là một thử thách lớn, đòi hỏi đầu tư công sức và tiền bạc. Chuyến du câu thường dài ngày, dầm mưa dãi nắng giữa những cánh rừng ngập mặn, thậm chí phải thức thâu đêm…

Bất ngờ cá chẽm

Nhập hội trong chuyến “khai cần” đầu năm tại đầm lớn ở Lý Nhơn, Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh… nước vừa chảy vô đầm chưa tới 20 phút. “Mất phao rồi”, cây cần nơi góc đầm giật dữ dội, dây cước tuôn ào ào, một con cá chẽm ăn câu, vùng vẫy nhảy vọt lên (santo). Sau 15 phút kịch tính, chú cá gần 5 kg đã ngoan ngoãn nằm trong vợt.

Dân săn cá khủng thích nhất là cá chẽm vì tính bất ngờ của loài cá này. Dù chuyên nghiệp đến đâu cũng không biết được bao giờ cá chẽm cắn câu, khi “vồ” được con mồi nó đua thật nhanh, cần bị giật phăng mạnh. Thông thường, dân câu chuyên nghiệp và xả mobin máy, dùng chống và dây an toàn để tránh mất cần. Quá trình bắt cá chẽm cũng khó khăn, với con cá 4 kg cần thủ có thể vật lộn với nó khoảng 15-30 phút. Cá chẽm lớn khôn như loài chó, không dễ gì bắt được nó, ngoài cách dụ cho nó cắn câu, công đoạn bắt cá cũng cần những kỹ năng và kinh nghiệm. Nếu câu ở đầm, bắt cá cần tránh để nó santo, vì santo là cách thoát khỏi lưỡi câu nhanh nhất, hoặc dùng “mang gió” chém đứt cáp. Để tránh được điều này, nên hạ thấp đầu cần, quần cho nó mệt, ngửa bụng mới dùng vợt bắt nó.

Để săn được “cá khủng” ngoài thiên nhiên, thông thường các cần thủ chọn con nước kém (chênh lệch thủy triều thấp), không thể câu “lure” cá giả (giống câu rê cá lóc) như trong đầm, con mồi thường là tôm lóng sống, lưỡi được móc vào đuôi, vì tôm lóng rất khỏe nên “sáng mồi”. Điểm câu là nơi có bầy cá nhỏ tụ tập. “Ở đâu có bầy cá đối, nơi đó có cá chẽm”, dân săn chẽm bật mí.

Phần lớn, dân săn cá khủng ở Sài thành đều thuộc lòng con nước thủy triều. Sơn cận ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh, là một trong những cần thủ nổi tiếng săn cá chẽm tại cầu Dần Xây, Cần Giờ. Anh từng giữ “kỷ lục” khi săn con “cá khủng” đến 15 kg sau hơn 2 giờ vật lộn.

Săn cá sủ như “mò kim đáy bể”

Cá sủ tên quốc tế là Bahaba, thuộc loại cá biển quý hiếm, giống loài này có nguy cơ tuyệt chủng bởi bong bóng của nó dùng làm chỉ tiêu y tế và nhiều công dụng khác. Trong một số thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, bong bóng còn đắt hơn vàng cùng trọng lượng. Ngày xưa, cùng với vi cá mập, bong bóng và bao tử cá sủ được chế biến món ăn đặc sản bào ngư vi cá. Cá này còn gọi là cá tiến vua bởi giá trị dinh dưỡng của nó. Mới đây, tại thị trường Hồng Kông thu vào con cá sủ vàng trong lượng 80 kg với giá 435 ngàn USD của ngư dân Trung Quốc bắt được. Cách đây vài năm, một cần thủ ở Hải Phòng săn được con cá sủ “khủng” khoảng 70 kg được thương lái đến mua 1,5 tỷ đồng. Sau đó, thương lái này sang tay cho thị trường Hồng Kông với giá trị gấp đôi.

Tới mùa xâm thực mặn, cá sủ đi sâu vào hầu hết các dòng sông ở miền Nam và miền Bắc để sinh sản và kiếm mồi. Tôm sống là món ưa thích của chúng. Không ai biết được loài cá này thường ở đâu! Chỉ dân câu thứ thiệt có kinh nghiệm mới săn được cá này. Trao đổi với những tay chuyên săn cá sủ, họ đều bó tay với giờ giấc cắn câu và nơi “định cư” của chúng. Hải một cần thủ có tiếng chịu “mài” đêm ngày ở các cây cầu đường Rừng Sát, Cần Giờ cho biết, loài cá cực kỳ khó câu, lúc ăn nước lớn lúc ăn nước ròng khó mà đoán được, chỉ biết chờ thời... Theo kinh nghiệm các nhóm “săn sủ”, họ thường du câu vào các ngày nước trong, biên độ nước chảy vừa phải.

Một tay săn khác có nick là Onggia&bienca cho biết, cá sủ ăn mồi như tiểu thư con nhà giàu thưởng thức món ăn. Khi “vồ” được con mồi, nó đủng đỉnh “thưởng thức”. Những ngày nước kém, quá trình giật cá phải mất 10 - 15 phút kể từ lúc cá cắn câu. Thông thường những tay mơ không có cơ hội bắt được cá sủ, vì phát hiện cá cắn câu họ đã vội giật cần.

Qua tìm hiểu, một số hội săn “cá khủng” luôn có ý thức bảo vệ các loài cá mà họ thường câu, khi dìu cá họ tránh làm tổn thương cá, tuyệt đối không dùng khấu để bắt cá. Nếu cá sẩy, nó trở về môi trường sống bình thường. Thông thường, họ luôn che đậy thành quả của nhóm mình. Sở dĩ, các nhóm câu luôn che dấu “chiến lợi phẩm” và nguồn gốc “xuất xứ” vì họ bảo vệ điểm câu với các nhóm đối thủ và tránh được đám ghe lưới, ghe cào, bọn chích điện đến “ăn hôi”.

hoàng tuấn Thanh Tra