TIN THỦY SẢN

Sản xuất giống rươi nhân tạo thành công: Một mũi tên trúng bốn đích

Việc nuôi rươi có thể chủ động được nhờ thành công trong sản xuất giống nhân tạo Phương Ngọc

Được coi là “lộc trời” vì con rươi là đối tượng có giá trị lớn, song lại chỉ có thể khai thác tự nhiên, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Tuy nhiên, việc nuôi rươi phần nào đã chủ động được nhờ thành công trong sản xuất giống nhân tạo, mở ra cơ hội phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Sinh sản hữu tính

Rươi có tên khoa học Tylorrhynchus heterochaetus, là động vật không xương sống, thuộc lớp giun nhiều tơ, nhiều nơi còn gọi là rồng đất. Có nhiều quan điểm về sự phân bố của rươi, nhưng số đông giới khoa học cho rằng chúng thường tập trung ở vùng nước lợ của các cửa sông ven biển Việt Nam.  

Ở Việt Nam, rươi có nhiều ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ như một số tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ; đặc biệt là vùng Kinh Môn, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương, rươi xuất hiện khá dày đặc khi vào mùa.

Theo một công trình nghiên cứu về rươi của tác giả Nguyễn Quang Chương (Trung tâm Quan trắc, Viện Nghiên cứu NTTS I), mùa sinh sản chính của rươi là tháng 5 - 6 (rươi chiêm) và tháng 10 - 11 (rươi mùa). Từ tháng 1 - 6, do thủy triều lên về đêm nên rươi di cư sinh sản ban đêm. Khi di cư chúng không nổi lên mặt nước mà đi chìm cách đáy 20 - 30 cm. Ngoài ra, rươi còn sinh sản rải rác vào các tháng trong năm. Sự di cư của rươi chịu tác động của độ đục và độ mặn trong thủy triều. Bằng chứng là trong hai tháng 11 và 12, khi độ mặn trong nước cao nhất thì cũng là lúc rươi đi sinh sản với số lượng nhiều nhất, vì vậy sản lượng khai thác rươi trong hai tháng này rất lớn.

Hình thức sinh sản chính là điểm độc đáo của rươi. Nhiều người nghĩ rươi cũng như những loài trong họ nhà giun sinh sản vô tính bằng cách đứt đoạn để nhân ra các cá thể mới, nhưng kỳ thực ở rươi có sự tiếp nối của hai phương thức vô tính và hữu tính.

Thành công giống nhân tạo

Một thực tế đáng buồn hiện nay là nguồn lợi rươi đang bị khai thác triệt để vào chính mùa sinh sản của chúng. Sản phẩm rươi sử dụng làm thực phẩm là những cá thể mang trứng, vì thế khi thị trường càng ưa chuộng rươi thì càng đẩy loài động vật nhiều chân này vào chỗ tuyệt chủng nếu chỉ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên; bên cạnh đó, nhiều năm qua do việc ngăn sông, giữ đập, nhất là việc dùng thuốc trừ sâu quá nhiều trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh sản và phát triển của rươi. Mong mỏi lớn nhất của bà con nông dân là làm thế nào để có được nguồn giống chủ động phục vụ cho nuôi rươi thương phẩm nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề về giống rươi, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) đã triển khai nghiên cứu, sản xuất giống rươi trong điều kiện nhân tạo, xây dựng các mô hình nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, canh tác rươi - lúa, chủ động cung cấp giống rươi cho người dân tại một số địa phương, chủ động cung cấp bổ sung thức ăn cho rươi, tăng cường quản lý các vấn đề môi trường nuôi.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh triển khai mô hình “Canh tác rươi - lúa hữu có bổ sung rươi giống tại TP Uông Bí và thị xã Đông Triều” với quy mô 8 ha cho 4 hộ nuôi. Các hộ nuôi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật xử lý bổ sung thức ăn... Sau hơn 5 tháng triển khai, rươi phát triển tốt, cỡ đạt 5 - 7 cm/con; mật độ nuôi đạt 80 - 100 con/m2, cao hơn so mật độ ngoài mô hình (10 - 30 con/m2); các chỉ tiêu về lúa hữu cơ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của mô hình.

Một trong những hộ triển khai mô hình thử nghiệm canh tác rươi - lúa tại phường Phương Nam, TP Uông Bí cho biết, mô hình thả bổ sung rươi giống sản xuất nhân tạo ước tính cho năng suất cao gấp 3 - 4 lần so việc nuôi lấy giống ngoài tự nhiên, do vậy hiệu quả mang lại cũng rất cao.

Lợi đủ đường

Ông Cao Văn Hạnh, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống rươi cho biết, ngoài được biết đến như là một món ăn đặc sản, bổ dưỡng rươi còn được sử dụng như một thứ thức ăn đặc biệt trong NTTS, nhất là để nuôi vỗ tôm sú bố mẹ và TTCT.

Các cơ sở sản xuất giống hiện nay đều sử dụng rươi vì sau khi sử dụng tỷ lệ thành thục cao, chất lượng trứng tốt. Rươi đặc biệt hợp với nuôi vỗ phát dục vì trong nó chứa một số axit béo không no chỉ có ở loài giun nhiều tơ mà thức ăn tổng hợp không hề có. Chính nhờ khả năng tự làm sạch thủy vực nên rươi còn được một số nhà khoa học xem như là các sinh vật chỉ thị mức ô nhiễm môi trường bằng cách xác định mật độ quần thể, sản lượng và tần suất xuất hiện tại một vùng ven biển.

Việc chủ động được rươi giống được ví như là một mũi tên bắn trúng bốn đích. Thứ nhất là giúp người dân chủ động việc nuôi thương phẩm thay vì vẫn phải dựa vào nguồn giống tự nhiên như hiện nay. Thứ hai là sản phẩm nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ các điều kiện vệ sinh ATTP (do các vấn đề đầu vào như cải tạo ao nuôi, gây thức ăn, chế độ quản lý và chăm sóc… đều được kiểm soát). Thứ ba là mặt hàng rươi trên thị trường không còn quá phụ thuộc vào tự nhiên (mùa vụ thường ngắn, chỉ 1 - 2 tháng/năm) do đó sẽ có một nguồn nguyên liệu cung cấp thường xuyên đến người tiêu dùng, rươi sẽ được dùng phổ biến hơn, đồng thời giá bán sẽ hạ. Cuối cùng là nếu cung cấp được nguồn rươi thường xuyên sẽ giúp cho việc nuôi tôm bố mẹ được tốt hơn, gián tiếp thúc đẩy nghề sản xuất tôm sú, TTCT phát triển…

Phương Ngọc Thủy sản Việt Nam