Sáng chế "biến" tảo lam độc hại thành bột protein
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển công nghệ biến tảo lam độc hại trên hệ thống sông ngòi thành bột protein thân thiện với hiệu quả giải độc cao.
Đề tài nghiên cứu do nhóm chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu sáng kiến Môi trường (thành phố Tô Châu) và Thanh Hoa, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc tiến hành. Theo đó, các chuyên gia đã sử dụng sóng siêu âm micro giây để làm phát nổ, phá tan tảo lam xanh, giúp giải độc với hiệu suất lên tới 99,8%.
Yu Zhengdao, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết quá trình xử lý tảo lam độc hại không hề bổ sung thêm bất kỳ chất phản ứng hóa học hoặc sinh học nào, mà chỉ dùng hơi nước làm dung môi để khử độc nên không gây phát thải.
“Kết quả kiểm tra sau khi khử độc, bột protein tảo lam này có hàm lượng độc tố thấp hơn nhiều về cấp độ thực phẩm so với các sản phẩm tảo khác và có thể được sử dụng trong ngành đánh bắt thủy sản”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, độc tố trong tảo lam là một trở ngại lớn đối với việc tận dụng nguồn protein có trong tảo, trong khi hàm lượng protein hòa tan trong nước ở tảo lam đạt tới 72%.
Hiện tượng tảo lam “nở hoa” có thể làm cạn kiệt oxy trong các hồ nước ngọt, giảm trữ lượng cá, và tăng chi phí sản xuất thủy sản. Ảnh: Xinhua
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ mang tính đột phá này có thể góp phần vào việc quản lý sinh thái sông và hồ tốt hơn cũng như thuận lợi cho ngành nuôi trồng thủy sản, trong bối cảnh nhiều địa phương trên toàn quốc đang phải sống chung với vấn nạn này.
Trước đó, vào cuối năm ngoái các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng đã tìm ra giải pháp có tiềm năng chống tảo lam khi phát hiện một loại virus có tên là Mic1 ở hồ Sào (Chao), tỉnh An Huy, nơi thường xuyên có hiện tượng “tảo lam nở hoa” vào mùa hè. Vấn nạn ô nhiễm tảo lam khiến nguồn nước sinh hoạt ở địa phương bị nhiễm độc, cá tôm chết nổi và nồng nặc mùi hăng hắc kéo dài.
Theo đó các nhà khoa học đã cấy DNA của virus Mic 1 có đầu quá khổ và đuôi dài như mỏ neo này vào một tế bào của tảo lam để sau đó virus nhân lên mạnh mẽ rồi xé nát vật chủ và dần dần đánh tan các tế bào tảo lam khác. Ông Cao Xihua, nhà nghiên cứu về sinh thái biển và khoa học môi trường, cho biết: “Khám phá này rất hữu ích vì nó cung cấp một cách tiếp cận khả thi để giải quyết mối đe dọa môi trường nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới”.
Mặc dù virus Mic 1 có tiềm năng để giải quyết và giảm bớt vấn nạn tảo lam, tuy nhiên việc nhân nuôi và ứng dụng virus này mới chỉ dừng ở một mức độ nhất định. Theo tiến sĩ Jiang Yongliang, virus Mic1 mới chỉ có thể tiêu diệt hai chủng tảo lam và để xử lý triệt để, các nhà nghiên cứu đang hy vọng sẽ sửa đổi gen của virus để nó có thể tiếp cận tốt hơn sang nhiều loại vật chủ.