TIN THỦY SẢN

Sau Minh Phú, thủy sản Việt Thắng nối gót xin tự hủy niêm yết

Công ty CP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) sẽ xin ý kiến cổ đông tự nguyện hủy niêm yết Hoa Liên

Sau khi Công ty CP thủy sản Minh Phú (MPC) tự nguyện hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng- một doanh nghiệp hoạt động cùng ngành cũng vừa thông báo xin ý kiến cổ đông rời sàn vào tháng 8/2015 tới đây.

CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (HOSE: VTF) vừa thông báo triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 dự kiến tổ chức vào ngày 7/8/2015, chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/7/2015.

Buổi họp này sẽ trình cổ đông thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu VTF trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Cổ phiếu VTF niêm yết trên sàn từ ngày 24/9/2010. Sau gần 5 năm niêm yết, cơ cấu cổ đông của công ty đã có nhiều thay đổi.

Thời gian qua, Công ty CP Hùng Vương (HVG) đã liên tục mua vào cổ phần tại Việt Thắng từ tháng 5/2014. Ngày 7/4/2015, sau khi mua vào gần 3,99 triệu cổ phiếu không qua chào mua công khai của hai cổ đông là Nguyễn Thị Triều và Phạm Nguyệt Anh, HVG nắm giữ tới 37,75 triệu cổ phiếu VTF, trong tổng số 41,81 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chiếm 90,28% vốn điều lệ.

Mã cổ phiếu VTF thời gian gần đây liên tục tăng qua các phiên, giá đóng cửa ngày 15/06 đã lên tới 30.400 đồng/cổ phiếu.

Một doanh nghiệp thủy sản mới đây cũng đã có quyết định hủy niêm yết là đại gia Minh Phú. Việc Minh Phú quyết định rời sàn là do đơn vị này muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nuôi tham vọng sẽ trở thành một hãng tôm có quy mô toàn cầu vào năm 2020.

Trong khi đó niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ gây cản trở khả năng tăng vốn của công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại ở mức 49%.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán là một mốc phát triển quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Kể từ đó, doanh nghiệp chính thức tham gia một cuộc chơi với rất nhiều người chơi và những luật chơi khác nhau. Cái được đối với các doanh nghiệp niêm yết là họ có thể dễ dàng kêu gọi vốn. Không ít doanh nghiệp chỉ chờ lên sàn để….phát hành thêm, tăng vốn điều lệ liên tục.

Nguyên nhân hủy niêm yết lần này của Việt Thắng chưa được công bố, nhưng xét trên bối cảnh thị trường hiện nay, khi Hùng Vương đã thâu tóm gần như toàn bộ doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vào chuỗi sản xuất khép kín của mình, HVG chắc chắn đã có kế hoạch của riêng mình.

Tính đến hết năm 2014, doanh thu của VTF đạt 4.422 tỷ đồng mang về lợi nhuận sau thuế 154 tỷ đồng. Thắng đậm trong năm, sau khi trích các quỹ và thưởng HĐQT, BKS… gần 4 tỷ đồng, cổ đông VTF thống nhất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt.

Bước sang năm 2015, Việt Thắng dự kiến tiêu thụ 500.000 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi, doanh thu lên đến 5.320 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2014, lãi trước và sau thuế lần lượt là 250 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, tăng trưởng kỳ vọng đạt lần lượt 45% và 30%.

Trên thực tế, tình hình sản xuất kinh doanh 2015 của Việt Thắng không đạt được như kỳ vọng của cổ đông đề ra. Doanh thu thuần đạt 1.162 tỷ đồng, tăng 45,25% so với quý I/2014. Nhưng doanh thu hoạt động tài chính 3 tháng đầu năm giảm mạnh từ 6,13 tỷ xuống còn 936 triệu đồng, bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng mạnh, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại lên tới 7,53 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận quý I/2015 chỉ đạt 23,88 tỷ, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch lợi nhuận mà VTF đề ra, doanh nghiệp mới chỉ đạt chưa đầy 12%.

Hoa Liên An ninh tiền tệ & Truyền thông, 16/06/2015