Sáu Ninh vua” tàu cá đất võ
Gửi gắm gần trọn đời cho những chuyến biển lênh đênh, giờ đây, ông Sáu Ninh (tức Bùi Thanh Ninh, SN 1957, trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn điều khiển đội tàu 16 chiếc quanh năm rẽ sóng tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
“Ông chủ” đội tàu 8.000CV
Thuở nhỏ, Sáu Ninh đã cùng cha leo lên chiếc ghe nhỏ tuềnh toàng, lênh đênh trên biển kiếm sống. Nhà nghèo, đông anh em nhưng chỉ trông chờ vào vài con tôm, cá gần bờ nên gia đình ông phải lo “chạy ăn” từng bữa. Năm 19 tuổi, Sáu Ninh nhập ngũ, xung phong đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Xuất ngũ và về quê, ông lại đắm chìm với tình yêu biển cùng ước mơ làm giàu.
Sáu Ninh tằn tiện, dành dụm được ít vốn, kèm với việc vay vốn ngân hàng, lặn lội đi khắp nơi để mua gỗ, vẽ mẫu rồi thuê thợ đóng chiếc tàu công suất 50CV. Lấy ngắn nuôi dài, đeo đuổi ước mơ sắm tàu, vài năm sau đó ông đóng tiếp những chiếc tàu với công suất lớn hơn. Giờ đây ngư dân này đã sở hữu những chiếc tàu 1.000CV, chi phí khoảng 5 tỷ đồng/chiếc.
Sáu Ninh là một trong những ngư dân đầu tiên ở Bình Định thành lập đội tàu đoàn kết đánh bắt thủy sản xa bờ. Hiện nay đội tàu mang tên Sáu Ninh (chia thành 4 tổ) có 16 chiếc với tổng công suất 8.000CV, chủ yếu hành nghề lưới vây và đánh bắt cá ngừ đại dương tại: Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng ông là chủ sở hữu 10 chiếc, 6 tàu còn lại là của ngư dân trong làng.
Theo nhẩm tính của ông Ninh, tổng sản lượng đánh bắt của đội tàu mỗi năm gần 2.000 tấn thủy sản, tổng doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Sau khi trừ phí tổn (12 tỷ đồng), lương người lao động (10 tỷ đồng), bảo dưỡng tàu (2 tỷ đồng)… mỗi năm đội tàu này lãi khoảng 6 tỷ đồng (riêng thu nhập của Sáu Ninh khoảng 2 tỷ đồng/năm).
Gắn bó với biển, ông Ninh hiểu rõ những rủi ro và nguy hiểm luôn rình rập bên anh em bạn thuyền.
“Tôi nhắc nhở anh em đi biển rằng: ngư trường, biển cả luôn là nhà, mình phải có trách nhiệm giữ gìn biển như giữ ngôi nhà chung. Từng tấc đất, thước biển, khối nước… đều là của dân tộc, anh em đi biển cần đoàn kết, chia sẻ với nhau, gặp hoạn nạn thì cùng nhau ứng cứu kịp thời, phải có niềm tin và quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo”- ông Ninh trải lòng.
Hào sảng, quyết đoán
Để quản lý đội tàu “khủng”, trên bờ ông Ninh tự trang bị bản đồ, theo dõi và điều hành qua Internet, máy Icom, radio… kết nối trực tiếp với từng thuyền trưởng trên 16 tàu đang hoạt động ngoài khơi. Mỗi tháng, ông đều có cuộc họp 16 tài công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các ngư dân lênh đênh trên đội tàu.
Với đội tàu lớn, việc bán sản phẩm của đội tàu Sáu Ninh không phụ thuộc công ty thu mua thủy sản mà do chính ông tự quyết. Theo quy trình, sau khi tàu đánh bắt xong các thuyền trưởng gọi báo về đất liền, lúc đó ông Ninh chào hàng ở các doanh nghiệp tại nhiều cảng cá như Quy Nhơn, Nha Trang, Tam Quan… Chỗ nào được giá thì tàu nhận lệnh cập bến ở đó bán thủy sản.
Nhiều ngư dân trong làng muốn đứng riêng, sở hữu con tàu để vươn khơi bám biển nhưng không có kinh phí, Sáu Ninh liền cho vay tiền không lấy lãi mà không chút đắn đo. Sát cánh cùng ngư dân là cách làm riêng biệt và là chân lý sống của Sáu Ninh.
“Năm 2015, trong đội tàu của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) điều khiển tàu cá BĐ 96617 TS cùng 13 ngư dân trên tàu đã bị tàu sắt nước ngoài tấn công gây hư hỏng nặng. Dù các thuyền viên hô to và ra hiệu tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, nhưng tàu kia vẫn không ngừng đâm va. Tôi yêu cầu thuyền trưởng Sinh trấn an tinh thần các thuyền viên trên tàu, và sau đó báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ. Tàu BĐ 96617 TS đã cập bến an toàn và sau sửa chữa lại tiếp tục vươn khơi, chẳng ai sợ hãi. Chuyện tàu bị phía tàu Trung Quốc rượt đuổi, quấy phá thì thường xuyên, nhưng ngư dân mình mưu sinh hợp pháp trên vùng biển của mình thì chẳng việc gì phải sợ”- Sáu Ninh nói với giọng đầy đanh thép.
Năm 2014, ông Bùi Thanh Ninh được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc; tháng 8.2015 ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông nhiều lần được UBND tỉnh Bình Định tuyên dương, tặng bằng khen. Bà Lê Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định đánh giá: “Từ một ngư dân nghèo khó, bằng sự cần cù, chịu khó và nhạy bén trong làm ăn, hiện nay ông Bùi Thanh Ninh là một trong những ngư dân sở hữu đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ lớn nhất tỉnh với doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm”.