TIN THỦY SẢN

Siết sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Việc sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng, quy chuẩn đang ảnh hưởng lớn tới thương hiệu thủy sản Việt Nam - Ảnh: TL Thùy Dung

Kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi ngoài việc trị bệnh, phòng bệnh còn một mục đích rất quan trọng nữa là kích thích tăng trưởng. Nhưng việc sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại kháng sinh đang gây ra tình trạng “kháng kháng sinh” và gây hậu quả lâu dài tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu tìm giải pháp để siết chặt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm giảm tác động xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Đây là nội dung được đưa ra trong Hội thảo: “Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững” diễn ra ngày hôm nay 12-1.

Hậu quả lâu dài tới sức khỏe

Theo bà Hoàng Hương Giang, Phó phòng thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi với ba mục đích trị bệnh, phòng bệnh, kích thích tăng trưởng. Nhưng kể từ năm 1998 đến nay, nhiều nước trên thế giới đã dùng nhiều biện pháp để hạn chế hoặc cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi do tác động tiêu cực nó.

Ví dụ như các nước thuộc Liên minh châu Âu đã đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế và kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ tháng 8-1999 và cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng vật nuôi từ tháng 1-2006.

Hay như Hàn Quốc cũng cấm sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng từ năm 2010. Thái Lan cũng cấm sử dụng các loại kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ tháng 8-2015. Malaysia cũng ban hành danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong chăn nuôi thú y…

Thực tế, theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thuộc Bộ NNPTNT, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi cao. Dư lượng hóa chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng hóa chất, kháng sinh tồn lưu trong thủy sản nuôi tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Cục quản lý khám và chữa bệnh, Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc kháng sinh là do việc sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý. Điều này làm tăng chi phí xã hội trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao...

Tai tiếng cho thủy sản Việt Nam

Bên cạnh đó, theo Nafiqad, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản còn khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó tác động tiêu cực ngược lại ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nói chung và chính các hộ dân có sử dụng hóa chất kháng sinh nói riêng. Các nước nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm tra hàng thủy sản của Việt Nam dẫn tới thời gian thông quan chậm, chi phí cơ hội lớn, giảm khả năng cạnh tranh. Khi các nhà nhập khẩu e ngại và hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ dẫn tới tồn kho, giảm giá nên cả doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại, thậm chí bị thua lỗ, phá sản.

Năm 2016, các cơ quan của Bộ NNPTNT đã lấy 2.724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn tối đa cho phép, chiếm 1,14%. Kết quả giám sát nêu trên cho thấy, tỷ lệ vi phạm hóa chất kháng sinh năm 2016 có giảm so với năm 2014 (1,24%) nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét.

Cũng trong năm 2016, Nafiqad đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép, cụ thể: Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô).

Đối với các lô hàng bị cảnh báo nêu trên, Cục đã có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến có lô hàng bị cảnh báo thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục. Kết quả cho thấy nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng. Do một số cơ sở nuôi chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch; một số cơ sở vẫn còn lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.

Do đó, ngoài những biện pháp tuyên truyền để người chăn nuôi và doanh nghiệp hiểu về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị Bộ Y tế và Bộ NNPTNT phối hợp phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: kháng sinh dùng cho người; kháng sinh dùng chung cho người và động vật; kháng sinh chỉ dùng cho động vật. Trên cơ sở đó quy định biện pháp quản lý phù hợp cho từng nhóm kháng sinh. Đồng thời, cần tiến hành đánh giá tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam.

Thùy Dung Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 12/01/2017