Sóc Trăng đã thả nuôi 2.700 ha tôm nước lợ
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến giữa tháng 3/2018, toàn tỉnh đã thả nuôi 2.700 ha tôm nước lợ, đạt 6% kế hoạch và chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chậm tiến độ thả giống là do thời tiết chưa thuận lợi, đa số các hộ đang tập trung cải tạo ao hoặc chỉ thả thăm dò, dù lịch thả giống tôm bắt đầu từ tháng 1 năm nay.
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: Theo dự báo, tháng 3, tháng 4 là lúc nắng nóng, độ mặn tăng cao, bên cạnh đó rải rác ở một số vùng nuôi đã có vài ao tôm bị bệnh phân trắng, hoại tử gan tụy và đốm trắng. Do đó, bà con nên hạn chế thả giống vào giai đoạn này. Đối với các hộ nuôi chủ động ao và nguồn nước thì nên thả thăm dò để chờ thời tiết thích hợp.
Cho tôm ăn.
Trần Đề là huyện nuôi tôm nhiều nhất nhưng chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại, riêng thị xã Vĩnh Châu đã có khoảng 52 ha ao tôm chết do bệnh và tác động xấu của môi trường. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo: Có điều kiện thì bà con nên thiết kế ao nhỏ cỡ 1.500 m2 trở lại để dễ kiểm soát. Trong quản lý điều kiện môi trường, phải nuôi nước trước nuôi tôm, dự trữ nước lắng ao trữ trên 50% diện tích nuôi tôm. Đối với ao nuôi giữ mực nước tối thiểu là 0,8m, thường xuyên đo đạc, để chủ động trong mùa nắng nóng và có thể có mưa trái mùa.
Hiện nay, con giống, thức ăn, thuốc thủy sản... đề nghị bà con hết sức thận trọng để mua được loại tốt nhất, nên chú ý khâu chăm sóc và cho tôm ăn, trong điều kiện không thuận lợi thì nhất định phải kiểm soát lượng thức ăn theo sàn, tránh bị dư thừa, ô nhiễm nước ao nuôi.
Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng năm nay theo kế hoạch là 45.500 ha, cao hơn năm 2017 là 500 ha, giá tôm nguyên liệu giữ mức cao từ đầu năm đến nay, nhưng hộ nuôi tôm không nôn nóng mà chuẩn bị thật kỹ các khâu để có một vụ nuôi thắng lợi