Sóc Trăng nuôi thả 34 nghìn ha tôm nước lợ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nông dân tỉnh này đã thả nuôi tôm nước lợ được hơn 34.000ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ hơn 22.000ha, diện tích nuôi tôm sú gần 12.000ha.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, tình hình diễn biến thời tiết không xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp như năm 2016, mà hầu như chỉ xảy ra tình trạng mưa nhiều, mỗi tháng đều có mưa. Đến thời điểm này, thời tiết đang ở giai đoạn mùa mưa, nên sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không còn quá lớn, các yếu tố quan trắc môi trường cho thấy rất phù hợp cho con tôm phát triển. Cơ bản, việc nuôi tôm hiện nay đang trên đà thuận lợi, tỷ lệ thiệt hại không nhiều, diện tích tôm nuôi đang phát triển tốt (khoảng 21.000ha), sản lượng đã thu hoạch đạt 40% kế hoạch đã đề ra. Năm 2017, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt 45.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó, tôm sú 18.000 ha, tôm thẻ 27.000 ha, phấn đấu đạt sản lượng 100.000 tấn.
Để giúp người nuôi tôm tránh thiệt hại, đạt hiệu quả kinh tế cao, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tham mưu cho ngành nông nghiệp chỉ đạo người dân thực hiện nhất quán 5 phương châm lớn trong nuôi tôm, cụ thể: nuôi nước trước nuôi tôm, ổn định sản xuất để đầu tư quy hoạch cụ thể, không mở rộng tràn lan; tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thành công trong vụ nuôi tôm năm 2016 và học hỏi, tiếp thu có chọn lọc các mô hình áp dụng hiệu quả ở các tỉnh, thành khác kể cả ở các nước bạn; củng cố tổ chức sản xuất ngành tôm, chú trọng và tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm như mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
Đồng thời, ngành chức năng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao các giải pháp duy trì và phát triển đàn tôm trong giai đoạn mùa mưa. Tiếp cận tốt ứng dụng khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Mỗi hộ nuôi tôm phải tự nguyện và thực hiện tốt việc ghi chép quá trình nuôi, đăng ký và khai báo dịch bệnh.
Được biết, tỉnh Sóc Trăng vừa đưa vào hoạt động Dự án Khu sản xuất tôm giống chất lượng cao do Tập đoàn Việt – Úc thực hiện có quy mô diện tích khoảng 23ha; tổng số vốn khoảng 40 tỷ đồng, chuyên sản xuất tôm giống phục vụ nhu cầu nuôi thả của nông dân, dự kiến đến tháng 6/2018 sẽ cung cấp tôm giống cho bà con nuôi tôm tại Sóc Trăng.
Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành tôm ở tỉnh Sóc Trăng, sau khi dự án hoàn thành đi vào sản xuất thì mỗi năm sẽ cung cấp 5 tỉ con tôm giống, giúp Sóc Trăng giải quyết được những bất cập trong nuôi tôm, nhất là vấn đề nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng; góp phần giảm chi phí, giá thành sản phẩm cho bà con nông dân.