TIN THỦY SẢN

Sóc Trăng: Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt

Nuôi cá đăng quầng giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Ngọc Khuê

Sóc Trăng có 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn; lẽ ra sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, thời gian qua, con tôm và một số loại thủy sản nước lợ vẫn chiếm ưu thế, trong khi cá nuôi nước ngọt dần mất đi chỗ đứng, nguyên nhân do đâu?

Khoảng 10 năm trước, khi nghề nuôi cá tra cho lợi nhuận cao, có thể xem là đối tượng có vị trí ngang với con tôm nước lợ, trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các vùng ngọt huyện Kế Sách, một phần huyện Cù Lao Dung ồ ạt tăng diện tích, cho đến khi cá da trơn nói chung và cá tra nói riêng gặp trở ngại khi xuất khẩu, thì nghề nuôi cá tra dần tuột dốc. Theo thống kê, năm 2014 diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh khoảng 100 ha, đến nay chỉ còn khoảng 66 ha, sản lượng khoảng 14.500 tấn. Ông Phan Minh Cường ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, cho biết: “Khó khăn của người nuôi cá tra là đầu ra, giá cả bấp bênh. Nếu đầu ra ổn định thì nuôi cá tra sẽ giúp nông dân nhanh chóng thoát nghèo, vì điều kiện ao vườn, kỹ thuật nông dân đã có rồi”.

Năm 2015, Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng đã thực hiện 3 mô hình nuôi cá tra dòng mới (dòng Pangi) và nuôi theo chuẩn VietGAP. Ưu điểm của dòng cá này là mau lớn, giảm chi phí đầu tư, chất lượng phi lê cao và tỉnh cũng có kế hoạch mở rộng mô hình này. Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá tra có dấu hiệu khởi sắc, mang hy vọng đến cho người nuôi.

Vùng nước ngọt được đánh giá là rất tiềm năng cho nghề nuôi thủy sản theo nhiều hình thức, như nuôi lồng bè, ao mương, vèo lưới, nuôi trên ruộng lúa…Năm 2017, ở vùng trũng Ngã Năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi cá đăng quầng, sau đó thả xuống ruộng, xen canh với trồng lúa, loại cá chọn nuôi chủ yếu là cá rô, cá lóc, sặc rằn… Mô hình cho hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường, có hướng để nhân rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Điện, Phó Trạm Khuyến nông thị xã Ngã Năm, nhận xét: “Mô hình nuôi cá đăng quầng ở Ngã Năm cho hiệu quả cao hơn trước đây như tỉ lệ sống, điều kiện về môi trường tương đối thuận lợi. Mô hình này đã giúp nhiều hộ tăng thu nhập”.

Tôm càng xanh cũng là đối tượng nuôi có giá trị cao cho cả vùng nước ngọt và lợ, rất có triển vọng phát triển. Nông dân Sóc Trăng nuôi tôm càng xanh bằng nhiều cách như nuôi luân canh hoặc nuôi kết hợp trong ruộng lúa; nuôi kết hợp với tôm hoặc cá nước lợ. Năm 2016, Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng đã thành công trong việc ương dưỡng con giống tôm càng xanh toàn đực, giải quyết được khâu khó nhất một khi muốn nhân rộng mô hình này. Thạc sĩ Võ Văn Bé, Chủ tịch Hội nghề cá, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, đánh giá: “Cái khó của nghề nuôi cá nước ngọt chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Nếu muốn phát triển mạnh thì người nuôi phải có liên kết để tìm thị trường ổn định, ký kết giá trị chuỗi sản xuất, nguồn cung ứng đầu ra phải đảm bảo thường xuyên. Nếu làm được điều này thì nghề nuôi cá nước ngọt sẽ phát triển ổn định”.

Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng liên kết để sản xuất và hướng đến thị trường xuất khẩu là cách làm đúng để nghề nuôi thủy sản nước ngọt dần lấy lại vị thế, tương xứng với tiềm năng vốn có trong lĩnh vực kinh tế thủy sản của tỉnh.

Ngọc Khuê Báo Sóc Trăng