Sóc Trăng: Siết chặt việc xả bùn thải ra sông
Việc xả bùn thải ra sông mà chưa qua xử lý làm lây lan dịch bệnh, làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước nuôi trồng thủy sản. Do đó chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã thiết lập đường dây nóng và thành lập nhóm cộng đồng quản lý việc bơm bùn thải ra sông.
Trong quá trình nuôi tôm, chất thải, thức ăn thừa, xác động thực vật cũng như lớp đất bị rửa trôi trên bờ bao xuống sẽ tích tụ dưới đáy ao, mang theo nguy cơ ô nhiễm và mầm bệnh rất cần được xử lý. Trong khi đó, diện tích bờ bao, thổ cư cũng như các nơi để chứa bùn ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến việc nhiều hộ nuôi lén bơm bùn đáy ao ra sông, rạch. Do hộ nuôi thả giống không đồng loạt, cải tạo ao nuôi không cùng lúc nên rất khó cho các ngành chức năng trong việc kiểm soát việc bơm bùn đáy ao ra sông.
Về mức độ nguy hại, việc bơm bùn ra sông sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng. Đối với một số hộ nuôi tôm công nghiệp đã có hệ thống xử lý, nước được luân chuyển từ ao nuôi qua ao lắng có nuôi cá rô phi, hoặc dùng biện pháp khử trùng nước, rồi mới sử dụng, thì sẽ hạn chế tốt việc lấy nước từ ngoài vào. Riêng các hộ nuôi quảng canh trực tiếp lấy nước vào và không có điều kiện xử lý nước, thì chịu ảnh hưởng lớn của việc lấy phải nguồn nước bẩn. Chưa kể hệ thống kênh rạch sẽ dần bị bồi lắng hạn chế lượng nước chảy vào.
Tính đến cuối tháng 6/2017, Sóc Trăng đã thả giống trên 31.600 ha tôm, thời gian này là cao điểm của việc lấy nước vào ao của hộ nuôi tôm, do đó, các cơ quan liên quan sẽ tăng cường tuần tra kiểm tra, ngăn chặn các hành vi làm hại môi trường. Hộ nuôi cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường chung cũng chính là bảo vệ quyền lợi của mình.
Kỹ sư Lê Văn Hăng, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, ngoài tuyên truyền, hỗ trợ các mô hình nuôi nhằm tạo sinh kế cho ngư dân, Chi cục thủy sản còn lập đường dây nóng và phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý thông tin khi được người dân phát hiện và cung cấp những hành vi vi phạm bảo vệ môi trường nuôi thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Những vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương thì Chi cục kịp thời thông báo cho địa phương để có hướng xử lý. Còn những vi phạm thuộc chức năng của Chi cục thì sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, như việc khai thác thủy sản sai tuyến, sử dụng các dụng cụ kích điện để khai thác thủy sản, bơm bùn ao nuôi thủy sản ra sông, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường”.
Ông Võ Hoàng Đan, Phó Phòng Khai thác và Phát triển NLTS – Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để nêu cao tinh thần tố giác của người dân trong bảo vệ nguồn lợi và môi trường vùng nuôi thủy sản, chúng tôi đã xây dựng đường dây nóng 18001034 để bà con kịp thời trình báo khi phát hiện những hành vi khai thác thủy sản trái phép và việc bơm bùn trái phép ra sông”.
Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân sử dụng đường dây nóng
Qua số tổng đài này, người dân địa phương dễ dàng hợp tác với các cơ quan chức năng, thể hiện quyền lợi mà cũng là trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên địa bàn mình sinh sống.
Ngoài tiếp nhận các cuộc gọi từ đường dây nóng 1800 1034, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã thành lập 5 nhóm đồng quản lý tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Cù Lao dung, gồm tập hợp ngư dân vừa khai thác và vừa bảo vệ, cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng khi cần ngăn chặn các hành vi vi phạm tại địa phương.