TIN THỦY SẢN

Sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại

Các doanh nghiệp dùng đá kè bảo vệ khu nghỉ dưỡng. Bài và ảnh: Tấn Nguyên

Thời gian gần đây, bãi biển Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam) bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và các hoạt động du lịch ở phố cổ Hội An. Chính quyền địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè tạm; đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở hiệu quả hơn, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu...

Những ai đã từng đến thành phố du lịch nổi tiếng này chừng mười năm trước, bây giờ có dịp về lại Hội An, hẳn sẽ bất ngờ và xót xa khi nhìn thấy bãi biển Cửa Đại bị sóng biển đánh tả tơi. Những rặng dừa trĩu quả, chạy dài cả cây số ôm lấy bãi cát mịn màng, thơ mộng ngày nào, giờ bị sóng đánh xác xơ, nghiêng ngả, bật nhào xuống biển. Đưa chúng tôi đi dọc hàng dừa bật gốc, ông Trần Văn Hội (80 tuổi, ở phường Cẩm Châu, TP Hội An) xót xa: Bờ biển Cửa Đại có dấu hiệu sạt lở cách đây chừng 5 năm, với mức độ nhẹ. Tuy nhiên, từ năm ngoái trở lại đây, bờ biển bị xâm thực mạnh hơn. Có thời điểm, trong vòng vài ngày, biển “gặm” vào đất liền tới 10 m, khiến nhiều công trình, khách sạn dọc bờ biển bị đe dọa. Năm nay, mới đầu mùa mưa, tuy chưa có lũ lớn, bão mạnh, nhưng những ngày qua, sóng biển dội vào rất mạnh, xé toạc đoạn kè mềm vừa được Nhà nước đầu tư năm ngoái; nhiều đoạn kè cứng của các khu du lịch cũng bị sóng đánh sụt móng, đe dọa nhiều công trình của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây dựng dọc theo bờ biển.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết: Tình trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại ngày càng trầm trọng; mỗi năm, biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét. Tình trạng sạt lở không chỉ làm mất vẻ đẹp của bãi biển Cửa Đại mà còn ảnh hưởng đến nhiều công trình giao thông, du lịch ven biển và cuộc sống của người dân địa phương. Đồng chí Dũng cho biết, để giảm thiệt hại cho các công trình và chống sạt lở đất, thời gian qua, TP Hội An đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn ở khu vực này đầu tư kinh phí và triển khai các giải pháp khắc phục tạm thời để bảo vệ nhà ở, công trình xây dựng, đường giao thông. Từ năm 2014 đến nay, thành phố triển khai kè mềm 400 m tại đoạn bị sạt lở nặng (theo công nghệ của Hà Lan), với kinh phí đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có một giải pháp tối ưu, đồng bộ. Điều này lại nằm ngoài tầm tay của chính quyền địa phương.

Đâu là nguyên nhân gây sạt lở và làm gì để cứu lấy bãi biển Cửa Đại là những câu hỏi đặt ra trong các cuộc họp và hội thảo khoa học được tổ chức vừa qua tại Quảng Nam. Đã có nhiều câu trả lời từ các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước. Các nhà khoa học, chuyên gia đều cho rằng, một trong những nguyên nhân chính làm cho bờ biển Cửa Đại sạt lở là do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát sỏi quá mức; các công trình thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn được xây dựng và đưa vào vận hành đã ngăn sông, suối dẫn đến thiếu hụt lượng cát và bùn đổ về hạ lưu. Mặt khác, nhiều giải pháp, công trình đưa ra để ngăn chặn sạt lở tại khu vực Cửa Đại còn mang tính cục bộ, tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Các biên cứng vừa mới được xây dựng như: đập phá sóng nhô ra ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, mái kè biển dọc đường Âu Cơ cũng là những tác nhân làm cho việc xói lở ngày càng mạnh hơn.

Một số ý kiến cảnh báo rằng, các giải pháp mang tính tự phát của các doanh nghiệp vừa qua, chỉ nhằm chống xói lở bãi biển tại khu khách sạn của riêng mình, chứ không tính tới việc một bờ biển dài sẽ bị tác động xấu. Từ đó, dẫn đến phòng, chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải thực hiện một cách đồng bộ, tổng thể suốt 7 km bờ biển Cửa Đại. Muốn làm được điều đó, theo các nhà khoa học, cần phải có nghiên cứu tổng thể, từ đó đưa ra giải pháp tổng thể, chứ không thể giải quyết bằng những giải pháp mang tính cục bộ, chắp vá, chỉ mang tính tình thế. Thí dụ như, để khắc phục suy giảm lượng cát từ thượng nguồn, phải nuôi bãi, tức là bổ sung lại lượng bùn cát đã bị mất đi, nhưng bổ sung bao nhiêu, vào thời điểm nào… thì phải tính toán cụ thể. Một điều quan trọng nữa là việc nghiên cứu cơ chế xói lở bờ biển Cửa Đại cần được giám sát liên tục, dài hạn thông qua hệ thống ca-mê-ra trực tuyến để có thể quan trắc, tập hợp đủ thông tin, số liệu nhằm có cơ sở đầy đủ hơn trong việc đề xuất giải pháp hợp lý và tái tạo bãi biển Cửa Đại.

Khi đề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, hiện nay, ngoài việc triển khai các biện pháp ngăn chặn tạm thời, tỉnh đề nghị các bộ, ngành ở T.Ư hỗ trợ giúp địa phương lập đề án tổng thể theo hướng vừa chống sạt lở bờ biển, vừa khôi phục bãi tắm Cửa Đại nhằm phục vụ dân sinh và du khách trong và ngoài nước. Phải đánh giá một cách tổng quát các nhân tố tác động đến tình trạng xói lở, để tìm ra một giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm sớm chỉnh trị, tái tạo bãi biển, góp phần ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Tấn Nguyên Báo Nhân Dân, 15/11/2015