TIN THỦY SẢN

Sớm xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh khảo sát khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Minh Đạt

Chiều ngày 1/4/2021, đồng chí Lữ Văn Hùng - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh có buổi khảo sát thực tế và làm việc với các sở, ngành có liên quan về tình hình triển khai Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước; công tác đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản với quy mô lớn, mỗi năm sản xuất từ 32 - 35 tỷ post tôm sú và tôm thẻ giống. Diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh là hơn 136.000ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hơn 2.200ha. Hiện tỉnh có 18 công ty, đơn vị, với diện tích hơn 1.500ha đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện tỉnh cũng có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.


Lãnh đạo tỉnh xem khâu sản xuất và đóng gói tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc.

Tuy nhiên, hiện nay, kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông, thủy lợi,... chưa đáp ứng yêu cầu; sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là thời điểm mùa khô, hạn, xâm nhập mặn; chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nuôi tôm từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững.

Theo báo cáo, đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đã thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2. Đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này, trong đó 5 dự án về quy trình, công nghệ nuôi tôm; 2 dự án sản xuất giống tôm; 1 dự án chế phẩm sinh học và 1 dự án thức ăn tôm. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh chưa phê duyệt quyết định giao đất cho Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; phê duyệt mức thu tiền thuê đất; mức phí dịch vụ; phê duyệt chủ trương giải phóng mặt bằng giai đoạn 2...

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cho rằng: để Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước còn nhiều việc phải làm, nhất là khi đến nay chưa có một nhà đầu tư nào khởi công được xây dựng trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: 3 mục tiêu mà Tập đoàn Việt - Úc giúp Bạc Liêu thì chưa đạt được. Do đó Tập đoàn phải quan tâm đến Bạc Liêu nhiều hơn, bởi đây là doanh nghiệp đầu đàn trong ngành tôm. Muốn trở thành thủ phủ tôm của cả nước thì ngoài các doanh nghiệp, người dân cũng phải tham gia nuôi ứng dụng công nghệ cao, có như thế sản lượng tôm mới tăng. Về giống, ngành chức năng chưa kiểm soát tốt nguồn tôm giống, vẫn còn nguồn giống trôi nổi được nhập vào Bạc Liêu. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: xử lý môi trường sau khi nuôi cũng phải hết sức quan tâm, và phải làm tốt vấn đề này. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu nên làm tham mưu tốt hơn cho Ban chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh thưc hiện tốt hơn đề án này; Tập đoàn Việt - Úc khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; sớm xuất khẩu được tôm nguyên con sang Úc. Hai vấn đề này góp phần quan trọng trong việc thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước.


Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mực nước các kênh trong Vườn chim Bạc Liêu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cần sớm tháo gỡ những khó khăn để xây dựng hoàn thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, bởi một khi khu này xây dựng hoàn thành mới góp phần thực hiện được Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng đề nghị: Sở NN&PTNT kết hợp chặt chẽ với Tập đoàn Việt - Úc đưa con giống chất lượng đến người nuôi tôm, không để người dân mua con giống trôi nổi, kém chất lượng. Ban chỉ đạo tỉnh rà soát lại những gì làm được, những gì chưa làm được trong việc thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước nói riêng và các dự án khác nói chung, nhiều dự án còn rất chậm, nhất là công tác phối hợp chưa chặt chẽ.

Về Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, Ban quản lý khu này phải thực hiện đúng tiến độ dự án và các bước tiếp theo, những gì còn thiếu phải sớm bổ sung. Các sở, ngành; Văn phòng UBND tỉnh hỗ trợ tối đa cho Ban quản lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Sớm giải phóng mặt bằng những hộ dân liên quan đến dự án; khi kêu gọi các nhà đầu tư, phải đáp ứng được các điều kiện đặt ra của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu…

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã khảo sát Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; tham quan khu sản xuất tôm giống và khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn  Việt - Úc. Dịp này, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở Vườn chim Bạc Liêu.

Minh Đạt Báo Bạc Liêu