Sông Mã ô nhiễm vì nước kiềm
Tháng 9, đang giữa mùa mưa, dòng sông Mã (đoạn chảy qua địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nước ngầu đục, cuộn chảy.
Người dân ở xã Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: Mấy năm nay rồi người dân ven sông Mã không còn dùng nước sông để sinh hoạt, phần vì nước đục, nhưng phần nhiều là do nước bị ô nhiễm từ các xưởng sản xuất, chế biến lâm sản, ngâm tẩm phoi đũa thải ra sông.
Ông Cao Văn Nguyên, bản Cổi, xã Xuân Phú bức xúc, nước ở đây rất độc hại. Mùa khô nước sông đen kịt, nhớt như nước xà phòng, người lội xuống nước một lúc, bước lên bờ là thấy ngứa, da sẩn lên. Trước đây, người dân ven sông vẫn nuôi cá lồng, coi nghề này là nguồn thu chính, nhưng mấy năm nay các xưởng chế biến lâm sản "mọc" lên nhiều quá, cá lồng, cá sông, tôm cua chết hết.
Đống phoi đũa chờ vào bể ngâm. Ảnh: Hồng Bài
Chúng tôi đến xưởng chế biến lâm sản đầu cầu Nà Sài, thuộc địa phận xã Xuân Phú khá quy mô, nằm ngay bên bờ sông Mã. Giữa trưa, các xe ô tô tải đang bốc phoi đũa từ bể ngâm kiềm lạnh lên xe. Tôi hỏi công nhân: "Xưởng có bể xử lý nước thải sau ngâm tẩm không? "Xử lý ngoài sông ấy" - một công nhân hất hàm ra phía sông Mã, trả lời.
Theo người dân cung cấp cho PV, xưởng sản xuất lâm sản này có một đường ống chôn ngầm dưới lòng bãi cát dẫn thẳng ra sông. Mỗi khi xưởng xả nước thải, mùi hắc bốc lên không chịu được, nước đen kịt, người dân hết sức khốn khổ vì ô nhiễm, chứ đừng nói đến cá, tôm.
Được biết, đi từ địa phận Co Lương, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình, xuôi dòng sông Mã, qua các xã Phú Thanh, Phú Lệ, Phú Xuân, Thanh Xuân, Xuân Phú... có tới 24 xưởng, hợp tác xã chế biến lâm sản có quy mô lớn. Chưa kể, còn gần 20 tổ hợp, sản xuất nhỏ lẻ. Điều đáng nói là, tất cả các cơ sở này đều nằm sát bờ sông Mã.
Phoi đũa đã qua ngâm kiềm lạnh chuyển lên xe ô tô. Ảnh: Hồng Bài
Trong khi đó, việc xử lý nước thải không theo đúng quy trình, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Cụ thể, khi đưa phoi đũa đã qua ngâm kiềm lạnh lên xe, công nhân dùng nước phun vào phoi đũa, nước kiềm chảy tràn xuống đất và từ đấy tràn xuống sông Mã. Sau một mẻ ngâm phoi đũa, nước kiềm từ bể ngâm xả thẳng ra sông. Vì dòng sông Mã chỉ cách xưởng sản xuất vài chục bước chân. Xưởng xa thì cách sông 200 - 300m.
Được biết, quy trình ngâm, xử lý phoi đũa để sản xuất bột giấy như sau: Phoi đũa được lấy từ các xưởng sản xuất đũa đưa vào bể ngâm với kiềm lạnh (loại sút do Trung Quốc sản xuất), một bể 30 tấn phoi phải dùng 1.300 - 1.400kg kiềm lạnh. Bể to cần tới 4.000kg kiềm lạnh. Ở Quan Hóa nhiều xưởng có 3 - 4 bể loại 30 tấn phoi. Như vậy, một ngày có hàng tấn kiềm lạnh đổ vào ngâm phoi đũa thì sẽ có hàng trăm m3 nước kiềm không qua xử lý đổ xuống dòng sông Mã. Hậu quả người dân gánh chịu, còn doanh nghiệp thu về lợi nhuận...