TIN THỦY SẢN

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng gia tăng

Ông Phạm Tiến Dũng lý giải nguyên nhân tình trạng sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gia tăng. Minh Long/VOV- Trung tâm Tin

Tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành phía Nam diễn biến ngày càng phức tạp.

Chiều 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9.

Nội dung chính thu hút sự quan tâm của cơ quan báo chí là tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi tiếp tục quay trở lại ở các tỉnh, thành phía Nam và diễn biến ngày càng phức tạp. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua kiểm tra 227 mẫu thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm thuộc 7 lô lợn có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Thực tế kiểm tra cho thấy, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng ở địa phương chưa chặt chẽ, một số chủ trang trại thu gom lợn và sử dụng chất cấm để vỗ béo cho lợn trong khoảng thời gian từ 5- 30 ngày nhằm thu lợi bất chính.

“Đoàn thanh tra Bộ kiểm tra chất cấm tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An cũng phát hiện vi phạm tương tự như ở Đồng Nai là việc vào cuộc của các đơn vị và chính quyền địa phương xử lý rất chậm, thông tin thanh tra nắm được là từ báo chí và người dân. Lẽ ra theo ngành dọc là phải thông báo cho Sở Nông nghiệp sau đó Sở thông báo cho Bộ để chỉ đạo xử lý” ông Phạm Tiến Dũng nói.      

Liên quan đến sự sụt giảm trong xuất khẩu thủy sản, theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: nguyên nhân chính là do thời tiết bất thuận nên thời vụ thả nuôi tôm năm nay chậm gần 2 tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và thời điểm xuất khẩu tôm của ngành.

Trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên trong tháng 8 xuất khẩu thủy sản sụt giảm 17,5%.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Điền cho rằng: “Xuất khẩu tôm tăng cao thường vào thời điểm cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm.

Sản lượng tôm năm nay khó đạt được 700.000 tấn như kế hoạch đặt ra, vì vậy ngành đang chỉ đạo các biện pháp phấn đấu đạt mục tiêu bằng năm ngoái là 640.000 tấn”.

Trong tháng 9 và các tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư chăn nuôi, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, thường xuyên cập nhật và đôn đốc, chỉ đạo công tác thu hoạch lúa hè thu, gieo cấy lúa thu đông, lúa mùa và chống xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, theo dõi sát sao tình hình sâu bệnh bảo vệ tốt sản xuất lúa./.

Minh Long/VOV- Trung tâm Tin VOV, 31/08/2015