TIN THỦY SẢN

Sử dụng đèn LED khai thác hải sản: Vì sao ngư dân chưa quan tâm?

Sử dụng đèn LED khai thác hải sản có nhiều hiệu quả thiết thực. Ảnh: Internet Mỹ Hoa

Dù mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng việc sử dụng đèn LED thay thế đèn huỳnh quang, đèn sodium hay đèn cao áp chưa được ngư dân trong tỉnh quan tâm đầu tư...

Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, đèn LED là loại bền, tiết kiệm điện, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có ngư dân Dương Văn Rin ở xã Bình Châu (Bình Sơn) lắp đặt, ứng dụng trong khai thác cá ngừ đại dương.

“Phiên biển vừa rồi, dù thời tiết bất lợi, nhưng sản lượng khai thác vẫn đạt khá, nên tàu mình không bị lỗ tổn. Một phần cũng là nhờ tàu sử dụng đèn LED, nên đỡ tốn chi phí nhiên liệu”, ông Rin cho biết. Theo ông Rin, ngoài việc dễ sử dụng thì đèn LED có ưu điểm vượt trội là lượng nhiên liệu sử dụng chiếu sáng thấp hơn đèn sodium, đèn cao áp hoặc đèn huỳnh quang từ 70  -  80%; thời gian sử dụng lâu hơn, nên hiệu quả khai thác cũng cao hơn.

Nhận thấy ưu thế của đèn LED, một số ngư dân đã tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sử dụng từ ông Rin. Tuy nhiên, vì chi phí đầu tư quá lớn, nên nhiều ngư dân không mạnh dạn đầu tư.

Đơn cử như tàu của ông Rin, với 21 bóng đèn, chi phí đầu tư gần 150 triệu đồng, trong khi cũng với số lượng ấy thì đèn cao áp chỉ tốn khoảng 52 triệu đồng. Ngoài chi phí, ngư dân còn nghi ngờ khả năng tập trung cá khi dẫn dụ bằng đèn LED. Bởi chất lượng đèn khi ứng dụng vào khai thác hải sản phải đảm bảo độ sáng, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, chống ăn mòn trong thời gian dài, chịu va đập, phổ màu phù hợp với từng nghề. “Đèn LED của các hãng uy tín sản xuất thì quá đắt. Còn đèn LED của Trung Quốc thì nhiễu sóng radio, máy Icom. Với lại, đèn LED có độ phủ chiếu sáng bề rộng không cao, độ sâu thấp nên không đảm bảo việc khai thác cũng như vận hành trên tàu”, ngư dân Nguyễn Cư, xã Bình Châu đánh giá.

Thực tế, ngư dân chưa sử dụng phổ biến đèn LED trong khai thác hải sản, một phần do thói quen dùng đèn sodium, đèn huỳnh quang hay đèn cao áp; phần vì Quảng Ngãi chưa có công trình nghiên cứu hoặc thử nghiệm đầy đủ để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng. Hơn nữa, với những loại máy móc, trang thiết bị có chi phí đầu tư lớn, ngư dân thường trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ ít khi đầu tư. Vì vậy, việc chuyển giao và nhân rộng mô hình sử dụng đèn LED trong khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn.

Theo các ngành chuyên môn, việc ngư dân nghi ngờ tính ưu việt của đèn LED so với đèn huỳnh quang, sodium hay đèn cao áp là do bà con sử dụng thiết bị của Trung Quốc, nên không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, theo Trung tâm Khuyến nông  -  Khuyến ngư tỉnh, ánh sáng đèn LED chỉ tập trung vào góc chiếu chứ không phủ tràn lan như đèn huỳnh quang, đèn sodium, nên nhìn xa sẽ thấy tối. Đặc điểm này khiến ngư dân nhầm lẫn rằng ánh sáng không đủ để đánh bắt hải sản hiệu quả.

Tổng cục Thủy sản cũng khuyến cáo, đèn LED không chỉ giúp ngư dân tăng năng lực đánh bắt, giảm chi phí chuyến biển, đảm bảo an toàn cho người dùng và môi trường, mà việc lắp đặt và sử dụng cũng dễ dàng hơn. Vì vậy, cơ quan chức năng, chính quyền cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về tính vượt trội của đèn LED để ngư dân tin tưởng sử dụng trong quá trình khai thác hải sản.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, khi sử dụng đèn LED, ngư dân cần xác định rõ các thông số nguồn sáng và thiết kế lắp đặt hệ thống trên tàu cá. Đối với nghề lưới vây, cần 32 bóng đèn, phân bổ 2 bên ca bin mỗi tàu 14 bóng, phía sau buồng lái 4 bóng. Khi chong đèn LED chiếu mạn tập trung cá, ngư dân cần bắt đầu vào chập tối và tiến hành khoảng 10-12 giờ. Khi đàn cá tập trung lớn, cần giảm độ sáng để cá quy tụ gần mặt nước, vây lưới thuận tiện.

Mỹ Hoa Báo Quảng Ngãi