Sử dụng xung điện khai thác thủy sản cần xử lý nghiêm
Những khúc sông, kênh, rạch hay vùng nước trũng nào có ngư dân đánh bắt thủy sản bằng các loại công cụ sử dụng xung điện (cào điện, xuyệt điện) đi ngang qua thì nơi đó trở thành “vùng nước chết” do tất cả các loại thủy sản trong tầm hoạt động của xung điện đều bị tiêu diệt.
Do đó, để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, các hoạt động sử dụng xung điện để khai thác thủy sản (là nghề cấm) cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm, đồng thời tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ những ngư dân sinh sống bằng nghề cấm chuyển đổi ngành nghề.
Dễ như nghề cào điện, xuyệt điện
Cách đây hơn 10 năm, khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên còn phong phú thì những ngư dân sinh sống bằng nghề chài, lưới ở các huyện đầu nguồn như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) vẫn còn kiếm sống được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: nạn khai thác thủy sản bằng ngư cụ có mắt lưới nhỏ, đê bao ngăn lũ, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp…, càng ngày nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng giảm thì hoạt động đánh bắt thủy sản bằng chài, lưới không còn hiệu quả nên các ngư dân này chuyển sang nghề cào điện, xuyệt điện.
Một người tự xưng là “anh Ba”, đang đánh bắt cá bằng xuyệt điện ở cánh đồng trũng thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, bây giờ mà đánh bắt thủy sản bằng chài, lưới thông thường thì không thể nào “sống nổi” vì nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm rất nhiều, lượng thủy sản bắt được không bao nhiêu. Muốn đánh bắt nhiều tôm, cá ra chợ bán đủ để trang trải cuộc sống gia đình thì bắt buộc phải dùng tới các ngư cụ đánh bắt thủy sản có sử dụng xung điện như xuyệt điện, cào điện.
Theo như “anh Ba” nói thì hiện nay các loại xuyệt điện đánh bắt thủy sản ở các kênh, rạch nội đồng cũng rất đa dạng, phong phú. Có loại xuyệt điện có phạm vi sát thương từ 8-10 m tùy theo mục đích và địa hình sử dụng, hoặc có loại xuyệt điện tự chế dùng bình ắc quy 12V hay 24V kích lên dòng điện 220V cũng có khả năng hoạt động không kém. Hiện nay, việc sử dụng các loại xuyệt điện tự chế bằng bình ắc quy là khá phổ biến vì chỉ cần đầu tư gần 2 triệu đồng để mua một bình ắc quy 12V, cộng với một bộ kích điện, một bình nhựa và hai cần tự chế là có thể đi “xuyệt cá” kiếm kiếm sống qua ngày.
Một người bạn đồng hành với “anh Ba” tên Tuấn kể lại, trước đây cũng có đi cào điện ven sông Tiền đoạn gần Cầu Mỹ Thuận với người anh ruột nhưng sau này anh tách ra mua một bộ xuyệt điện để kiếm sống riêng. Theo anh Tuấn, đối với các ghe cào điện thì việc trang bị cũng đơn giảm không kém, thường là từ các ghe cào bình thường trước đây bắt bắt thủy sản không còn hiệu quả chuyển sang cào điện. Các ghe cào này chỉ cần trang bị thêm một chiếc dynamo kích điện gắn vào bánh trớn máy dầu (thường là máy D12 hay D24) cùng với một vài sợi dây điện nối dynamo với dàn lưới cào là có thể hành nghề cào điện.
Trở lại với nghề xuyệt điện, anh Tuấn cho biết, hôm nay thu hoạch cũng kha khá, đi từ sang tới giờ hơn 3 tiếng đồng hồ cũng kiếm được gần 2 kg lươn và 3 kg cá với giá trị hơn 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, có hôm chỉ kiếm được vài con cá, con lươn cho bữa ăn gia đình nên tính ra thu nhập bình quân hàng ngày chỉ chừng 50-80 ngàn đồng. Để đánh bắt được nhiều tôm cá, hàng ngày những người sống bằng nghề như anh phải đổi địa bàn hoạt động, thường là những cánh đồng trũng, những ao bỏ hoang hay ở các kênh rạch, ven sông.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm
Trên những khúc sông, kênh, rạch hay vùng trũng thuộc các huyện đầu nguồn của tỉnh Tiền Giang, tình trạng đánh bắt tôm, cá bằng xung điện đã trở thành vấn đề nóng ở các địa phương này. Mặc dù các ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản bằng cào điện, xuyệt điện nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ông Phan Duy Trinh, ngư dân sinh sống bằng nghề đặt dớn ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, những năm gần đây nguồn cá tôm tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nếu như trước đây đặt dớ có thể trang trải được cuộc sống gia đình thì năm nay không đủ ăn. Thậm chí, bây giờ cá con cũng không có luôn chứ đâu tới cá lớn. Tình trạng này một phần là do vào những con nước kém có nhiều người đi xuyệt điện dù cơ quan chức năng địa phương có tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng nhiều quá nên cũng không xuể.
Theo ông Trinh, mặc dù nguồn lợi thủy sản là của tự nhiên nên ai bắt được nấy ăn, nhưng nếu đánh bắt cá bằng xuyệt điện thì cả cá mẹ lẫn cá con đều bị tận diệt, không còn mầm móng nào sống sót thì nguồn lợi thủy sản không thể nào phục hồi, tái tạo. Do đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra xử lý triệt để các trường hợp đánh bắt cá bằng xuyệt điện để sau này người dân có cá để bắt ăn cũng như sinh sống.
Theo kết quả khảo sát nguồn lợi thủy sản nội đồng của Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản khai thác bình quân năm 2009 của các phương tiện khai thác thủy sản nội đồng là 20.670 kg/phương tiện nhưng đến năm 2011 thì sản lượng bình quân chỉ đạt 16.329 kg/phương tiện. Nếu xét riêng từng loài thủy sản nội đồng thì tính đến thời điểm này sản lượng thủy sản cũng đã giảm từ 30 – 80% so với thời điểm năm 1997, trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như: cá hô, cá thác lác, cá còm, cá bống tượng, cá chạch lấu... Điều này cho thấy nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Cần phối hợp đồng bộ
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ hàng chục năm trước trên cả nước với những diễn biến không kém phần phức tạp. Trước thực trạng này, ngày 02/01/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 từ cấp tỉnh đến cấp xã để thực hiện tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện đánh bắt thủy sản bằng cách thức hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng như giám sát, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thành lập, hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 ở các địa phương chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí có lãnh đạo xã còn tỏ ra “ngơ ngác” khi được đề cập tới trách nhiệm Ban chỉ đạo địa phương trong việc tuyên tuyền, vận động người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong đánh bắt thủy sản cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm ở địa phương do không được “bàn giao”.
Đại diện ngành chức năng cho biết, hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết số người tham gia đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện là bao nhiêu dù chắc chắn số lượng là rất lớn, nhưng các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được một cán bộ thanh tra ngành Nông nghiệp Tiền Giang cho rằng, do lực lượng thanh tra nông nghiệp mỏng, các ngành chức năng của huyện, xã làm chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Do đó, để tăng gia tăng hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian tới chính quyền cơ sở cần thành lập tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cũng kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần “sốc lại” hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 các cấp, nhất là đối với cấp xã. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vận động người dân chuyển sinh sống bằng nghề cấm đổi ngành nghề. Ngoài ra, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân sinh sống bằng các nghề đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt để tạo điều kiện cho người dân sinh sống được với nghề mới.