Tắc đăng kiểm, tàu cá vật liệu mới cũng... tắc
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt cho ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo nghị định 67 (năm 2014) của Chính phủ, trong đó ghi rõ tàu được đóng bằng vật liệu mới PPC.
Nhưng xem ra giấc mơ vươn khơi bằng tàu vật liệu mới khó thành hiện thực bởi đang tắc ở khâu đăng kiểm...
PPC với tên tiếng Anh là compolymer polypropylene polystone. Trong chuyên môn, PPC được giải thích là một trong những vật liệu nhựa tổng hợp thông dụng được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống.
Một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu ứng dụng loại vật liệu này để đóng các loại tàu thuyền cỡ nhỏ, trong đó nêu rõ thông số khoa học thể hiện tính chất, ưu điểm, nhược điểm của vật liệu...
Ngư dân “kết” vật liệu mới
Ông Nguyễn Chiến Hữu làm nghề biển lâu năm ở ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với đội tàu bốn chiếc. Tháng 10-2015, ông Hữu được tỉnh phê duyệt đóng mới tàu cá vỏ thép với kinh phí thực hiện gần 17 tỉ đồng, đủ điều kiện hưởng các chính sách theo nghị định 67 của Chính phủ.
Ngẫm đi ngẫm lại, ông Hữu băn khoăn với việc đầu tư tàu vỏ thép bởi một số lý do, trong đó chi phí bảo dưỡng hằng năm cao, chi phí cho nhiên liệu cũng nặng... Vì thế ông đi tìm hiểu và đặt vấn đề đóng tàu cá bằng vật liệu PPC, mà tại Bà Rịa - Vũng Tàu có một cơ sở dùng loại vật liệu này đóng tàu cho nhiều mục đích khác nhau.
Cơ sở đóng tàu gật đầu, ông Hữu làm thủ tục đề nghị tỉnh điều chỉnh quyết định đổi từ tàu vỏ thép sang loại tàu vỏ vật liệu mới PPC. UBND tỉnh đồng ý phê duyệt điều chỉnh. Ông Hữu được đóng tàu cá theo nghị định 67 bằng PPC với các thông số: dài lớn nhất 23,8m, rộng lớn nhất 6,2m, cao lớn nhất 3,2m.
Theo ông Hữu, một trong những lý do ông “kết” loại vật liệu mới PPC để đóng tàu cá đi biển là vật liệu này nhẹ, có thể tiết kiệm được nhiên liệu nhờ khối lượng của tàu nhẹ, ma sát giữa thân tàu và nước nhỏ. Một điểm khác cũng khiến ông Hữu ưng bụng là có thể tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng và không gây hại đến môi trường nhờ không phải sơn vỏ tàu, không phải cạo hà, cạo gỉ định kỳ...
Ông Hữu cho biết với ngư dân, chi phí cho một chuyến biển là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Bởi thế, ông Hữu quả quyết nếu việc đóng tàu bằng PPC bị tắc, không gỡ được, ông cũng sẽ trả lại quyết định phê duyệt hỗ trợ và không đóng tàu vỏ thép.
Tương tự, gia đình ông Trà Văn Hoành (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đang làm nghề biển “cha truyền con nối” với đội tàu gỗ tám chiếc. Chỉ về một con tàu gỗ cỡ lớn đang nằm trên ụ, ông Hoành than hằng năm phải bảo trì tốn vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, rất tốn kém.
Cũng như ông Hữu, ông Hoành “kết” vật liệu mới PPC nhờ nắm bắt được những ưu điểm của nó. Ông Hoành cũng là một trong những ngư dân được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt đóng mới tàu cá theo chính sách của nghị định 67 bằng PPC, trị giá gần 20 tỉ đồng.
Mô hình tàu cá vỏ PPC - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đứng máy... vì vật liệu mới
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo nghị định 67, những ngư dân nói trên ký hợp đồng với nhà sản xuất có cam kết đóng được loại tàu này bằng PPC - Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc.
Mọi thủ tục suôn sẻ, nhưng đến khâu cần một số loại giấy tờ để đủ điều kiện giải ngân từ ngân hàng tài trợ vốn thì bị tắc, giấc mơ tàu đánh cá bằng PPC bắt đầu rơi vào tình thế mong manh. Ngư dân cần bản vẽ thiết kế cơ sở của con tàu được cơ quan đăng kiểm phê duyệt để đảm bảo điều kiện cho việc xem xét giải ngân theo quy định.
Đồng thời đây cũng là một trong những cơ sở để thực hiện đăng kiểm tàu sau này. Tuy nhiên, khâu quan trọng cuối cùng này đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng ý phê duyệt của Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Ngư dân bức xúc, trong khi nhà sản xuất tàu cho rằng Trung tâm đăng kiểm tàu cá không có thiện chí để chấp nhận cho ngư dân đóng tàu cá bằng vật liệu PPC. Trong một văn bản gửi Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc ngày 20-4, trung tâm này đưa ra những đánh giá về đề nghị thẩm định hồ sơ bên cạnh việc số lượng bản vẽ chưa đủ, bản tính toán còn thiếu nhiều... và một yếu tố quan trọng được nhấn mạnh là “(hồ sơ) chưa thể hiện rõ khả năng đóng tàu cá biển của vật liệu PPC”.
Trả lời Tuổi Trẻ về phản hồi nói trên của Trung tâm đăng kiểm tàu cá, lãnh đạo Công ty Việt - Séc nói hồ sơ bản vẽ thiết kế có thể chưa đầy đủ nhưng quan trọng là các kết quả tính toán, thiết kế tàu... có được họ công nhận không. Còn bản vẽ thiếu cái gì thì nhà sản xuất cung cấp cái đó. Lãnh đạo công ty khẳng định có thể đáp ứng các yêu cầu của đăng kiểm tàu cá về hồ sơ thiết kế, nhưng phải trên cơ sở thiện chí của hai bên.
“Nếu đăng kiểm không có thiện chí thì có ba năm cũng không xong như những gì công ty từng gặp khó khăn trong việc đăng kiểm một số loại tàu vật liệu PPC trước đây mà công ty đang sản xuất” - lãnh đạo Công ty Việt - Séc nói.
Một số ngư dân bức xúc có đơn thư gửi Thủ tướng và các cơ quan chức năng, trong đó đặt vấn đề phải chăng cơ quan đăng kiểm tàu cá vì sợ trách nhiệm với thực tế việc đóng tàu đánh cá bằng vật liệu mới PPC ở Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn, quy phạm để làm cơ sở xem xét đăng kiểm, nên ngư dân gặp vướng mắc chưa tháo gỡ được?
Hay nói cách khác, ngư dân đặt vấn đề do đây là vật liệu mới, Việt Nam chưa có quy chuẩn, quy phạm nên việc đăng kiểm còn ngần ngại và sợ gánh trách nhiệm khi đưa ra một quyết định nào đó?
Liên quan đến loại vật liệu nói trên, Bộ Khoa học và công nghệ cũng cho biết ứng dụng công nghệ PPC trong sản xuất tàu thuyền là phù hợp với xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong nước cũng như trên thế giới. Từ năm 2012, bộ đã có văn bản công nhận đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.
Chưa cho phép vì lo ngại không an toàn
Theo ông Nguyễn Văn Trung - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tổng cục đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và đánh giá về vật liệu mới mà Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng để đóng mới tàu cá, hiện chờ ý kiến của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cũng theo ông Trung, vật liệu này từ trước tới nay vẫn được dùng để đóng tàu du lịch, tàu đi trên sông, hồ, chưa từng sử dụng làm tàu biển và chưa đánh giá được sóng gió ngoài khơi liệu có ảnh hưởng đến độ an toàn của tàu.
“Chính vì vậy mà chúng tôi băn khoăn, lo ngại về độ an toàn” - ông Trung nói với Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Trung thừa nhận rất cần phải xem xét, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuy nhiên giá những con tàu đóng mới để đánh bắt xa bờ lên tới hàng chục tỉ đồng, chưa kể tính mạng của ngư dân nên cần phải cẩn trọng, không phải là không cho phép, mà đợi thêm ý kiến chuyên gia và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. “Chúng tôi chỉ băn khoăn nhất về vấn đề an toàn” - ông Trung nói.
“Nếu nói bảo vệ tài sản, tính mạng cho chúng tôi - những ngư dân - thì làm bằng hình thức nào đó, chứ cứ ngồi đâu đó mà nói bảo vệ ngư dân. Ngư dân có gặp được anh đâu mà nói bảo vệ. Ông Trà Văn Hoành (làm nghề biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)