TIN THỦY SẢN

Tầm quan trọng của khoáng Kali đối với con tôm

Khoáng Kali trong nuôi tôm thẻ Thuần Phạm

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, tôm rất cần bổ sung các loại khoáng chất, quan trọng nhất là khoáng Kali. Vậy khoáng Kali quan trọng như thế nào, làm sao để bổ sung khoáng Kali đúng cách cho tôm hấp thu tốt? Mời bà con cùng đọc qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Khoáng Kali trong nuôi tôm thẻ

Khoáng chất Kali hay Potassium Diformate trong ao nuôi tôm (C2H3KO4) là phân tử axit kép dạng muối đôi, có tác dụng giúp làm giảm pH dạ dày, tạo môi trường kiềm trong dạ dày và ruột tôm, nhờ đó làm tăng sự giải phóng enzyme từ gan tụy, giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt và hấp thụ dinh dưỡng tối đa.

Vai trò của khoáng Kali

Kali là khoáng đa lượng có vai trò cấu thành vỏ tôm, điều hòa áp suất thẩm thấu, dẫn truyền thần kinh có vai trò trong hệ thống enzym của tôm.

Tầm quan trọng của khoáng Kali đối với sự phát triển của tôm

Kali là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, khi thiếu Kali tôm sẽ bị suy yếu, biếng ăn, tăng trưởng chậm, thậm chí là chết hàng loạt.

Khi Formate khuếch tán vào vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa và axit hóa sự trao đổi chất của chúng, khiến tế bào vi khuẩn có hại chết. Nhờ đó, vi khuẩn có lợi (Lactobacillus, Bifidobacteria) có cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng sức đề kháng.

Ngoài ra ion K+ tham gia dẫn truyền xung động thần kinh cơ, tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động của enzyme trong tế bào. ion K+ có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Do đó khi thiếu Kali tôm sẽ bị suy yếu, biếng ăn, hoạt động kém, tăng trưởng chậm thậm chí là chết hàng loạt.

Dấu hiệu tôm thiếu Kali

Trên cơ thể tôm sẽ có những đốm đen liti nhỏ bằng đầu cây kim trên toàn vỏ tôm. Biểu hiện rõ là khi có những đốm trắng đục trên thân ở trong thịt (đục cơ), trường hợp nhẹ thì dễ trị còn nếu tôm vừa bị đục cơ, cong thân thì khó trị và dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Tôm suy yếu, biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, đường ruột tôm mờ nhạt, tôm khó lột, lột dính đuôi và chết rải rác. Tôm cong thân kéo theo tình trạng đục cơ.

Làm sao để kiểm tra hàm lượng Kali có trong ao nuôi?

Cũng tương tự như Ca-Mg, Kali cần được kiểm tra định kỳ thường xuyên.

Đối với ao có độ mặn tương đối (10 - 15‰), có đủ nguồn nước sạch để thay thường xuyên, phải kiểm tra từ đầu vụ, sau đó định kỳ hàng tháng kiểm tra lại Kali một lần.

Đối với ao có độ mặn thấp (4 - 10‰), lượng khoáng trong nước cũng sẽ không dồi dào, định kỳ 2 tuần/lần, cần tiến hành kiểm tra Kali.

Càng về những tháng cuối, đây là thời điểm tôm hấp thu khoáng nhiều hơn, thì tần suất kiểm tra nên tăng nhiều hơn. Đối với ao nuôi siêu thâm canh công nghệ cao, tốt nhất là tiến hành kiểm tra mỗi ngày, cùng với kiểm tra các chỉ tiêu: pH, kiềm, NH3, NO2, Ca, Mg.

Để xác định hàm lượng K trong ao tôm, bà con mang mẫu nước đến các phòng lab sẽ giúp kiểm tra các chỉ tiêu này hoặc bà con sử dụng bộ test Kali đang có trên thị trường.

Cách tính trị số Kali trong ao nuôi

Độ mặn của nước biển là 34‰ và trị số của Kali là 380. Trị số Kali với độ mặn 1‰ là: 380 : 34 = 11.176

Tuỳ theo độ mặn trong ao nuôi mà ta có thể lấy 11.176 x độ mặn từ 2_33 phần ngàn.

Khi xét nghiệm nước ao mà trị số Kali khoảng từ 78 trở lên là được.Nhưng nếu trị số Kali dưới 78 thì lúc này cần phải bổ sung thêm khoáng Kali.

Tôm khỏe mạnh, đều size khi được bổ sung đầy đủ khoáng Kali

Kỹ thuật bổ sung khoáng Kali cho ao tôm

Tôm có thể hấp thu khoáng qua hai cách:

Bổ sung qua cách tạt trực tiếp

Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường nước thông qua việc hấp thụ qua mang nên việc tạt trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm là việc rất cần thiết.

Bổ sung vào thức ăn

Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm sẽ khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Trường hợp này cần bổ sung khoáng vào khẩu phần thức ăn cho ao tôm để dễ dàng hấp thụ trực tiếp vào cơ thể tôm.

Bổ sung Kali cho tôm là một trong những việc làm quan trọng có vai trò trong việc tăng trưởng của tôm. Khi phát hiện tôm thiếu Kali thì cần bổ sung Kali cho ao nuôi tôm kết hợp một chút khoáng Magie trộn vào thức ăn cho tôm ăn đồng thời bổ sung khoáng tạt vào trong môi trường nước ao ngay từ đầu vụ.

Kali và Magie sẽ làm tăng cơ thịt, giúp cho cơ bắp rắn chắc, tăng trọng và tăng sức đề kháng cho con tôm.Việc bổ sung khoáng Kali giúp phòng ngừa cong thân, đục cơ, kích thích tôm lột vỏ nhanh chóng nhất.

Kali là một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm nuôi. Nếu không kiểm tra định kỳ, dẫn đến việc không nắm được hàm lượng Kali có trong nước, và không bổ sung Kali kịp thời, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và năng suất ao nuôi.

Thuần Phạm