TIN THỦY SẢN

Tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản ven bờ

Tàu cá làm nghề mành rút trủ của ngư dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đánh bắt cá cơm gần bờ. Đoàn Ngọc Thuận

Ðể triển khai có hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), ngành chức năng, chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản ven bờ.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp các ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển tổ chức 36 chuyến tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) trên đầm Thị Nại, khu vực ven biển Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); vùng biển ven bờ huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Qua đó, đã kiểm tra 167 lượt tàu cá KTTS ven bờ, xử phạt 33 tàu vi phạm với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Thủy sản, BĐBP, CA tỉnh trong kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ, liên tục duy trì sự có mặt của các lực lượng tại vùng biển cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi để xử lý tàu cá thiếu giấy tờ hoạt động KTTS vào các cảng cá chỉ định; kiểm tra, xử lý các tàu cá không có giấy phép KTTS, tàu không đăng ký, đăng kiểm, tàu giã cào hoạt động không đúng vùng tuyến... Chi cục cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành mới danh mục ngư cụ và nghề cấm và áp dụng mức xử phạt mới của Nghị định 42 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”.

Việc KTTS sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ, chất gây mê, lưới lờ, dụng cụ bơm hút thủy sản… làm nguồn lợi thủy sản gần bờ suy giảm nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân chính khiến nghề KTTS ven bờ lâm vào tình thế khó khăn. Ngư dân Lê Văn Toàn, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá làm nghề lưới vây KTTS gần bờ, than thở: “Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ gần như cạn kiệt nên tàu tôi thường bị lỗ tổn, hệ quả là càng ngày càng thiếu bạn đi biển, tàu thường xuyên nằm bờ; nhiều ngư dân khác buộc phải bán tàu. Đây cũng là nỗi trăn trở của các chủ tàu làm nghề KTTS ven bờ”.

Công tác kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần duy trì, bảo đảm trữ lượng nguồn lợi thủy sản ven bờ để nghề cá phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống ngư dân. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, bên cạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU, các quy định của Luật Thủy sản nhằm hạn chế tình trạng tàu cá hoạt động KTTS xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài, huyện đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ. Toàn huyện có 147 tàu cá hoạt động KTTS ven bờ, trong đó có 49 tàu làm nghề giã cào, UBND huyện đã báo cáo số liệu về Sở NN&PTNT để xây dựng Đề án chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU của EC nhằm hướng đến phát triển nghề biển bền vững.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh việc thực hiện công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá nhằm hạn chế phát triển tàu KTTS ven bờ, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản rà soát, hướng dẫn các chủ tàu cá thiếu giấy tờ đăng ký kê khai đúng quy định; phối hợp cùng BĐBP, cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá hoạt động KTTS ven bờ vi phạm vùng tuyến, tàu cá thiếu giấy tờ, tàu hoạt động các nghề cấm. Ban quản lý các cảng cá phối hợp với lực lượng chức năng kiên quyết không cho các tàu giã cào, tàu cá không đủ giấy tờ hoạt động ra vào các cảng cá chỉ định.

Đoàn Ngọc Thuận Báo Bình Định