TIN THỦY SẢN

Tăng cường quản lý lao động khai thác thủy sản

Lao động biển vừa thiếu vừa yếu, nên hiệu quả khai thác thủy sản thấp. MỸ HOA

Định hướng phát triển ngành khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi là tập trung hiện đại hóa đội tàu, hướng đến khai thác xa bờ. Song vấn đề đặt ra hiện nay là lao động làm việc trong đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh không chỉ thiếu, mà còn yếu về kỹ thuật và trình độ.

Vừa thiếu, vừa yếu

Nếu tính bình quân mỗi tàu khai thác xa bờ cần 10 - 12 lao động, thì đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh (trên 1.500 chiếc được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện khai thác xa bờ) cần khoảng 15 - 18 nghìn lao động. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 30% lao động nghề biển có kinh nghiệm, chuyên môn; còn lại 70% là lao động thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài với nghề. Chính vì vậy, nhiều lao động không quen với công việc, cũng như chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành phương tiện, thiết bị tàu cá.

“Trong khi chủ tàu đầu tư trang bị nhiều loại ngư cụ, thiết bị hàng hải tiên tiến, thì phần lớn lao động vẫn quen với kiểu khai thác truyền thống, chưa sử dụng thành thục các loại máy móc mới. Vì vậy, hiệu quả khai thác thủy sản thấp”, ngư dân Phạm Sáu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), lý giải.

Hơn nữa, trong điều kiện nhiều bạn tàu bỏ biển, nên chủ tàu cũng chỉ quan tâm đến việc làm sao tìm đủ lao động cho mỗi chuyến biển, không có cơ hội lựa chọn tay nghề. Có trường hợp, chủ tàu phải nhận người mới ở các địa phương khác, nên xảy ra tình trạng lao động ứng trước tiền của 2 - 3 chủ tàu rồi bỏ việc. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do ngày càng có nhiều người bỏ nghề đi biển, trong khi số lượng người trẻ tiếp nối nghề biển thì rất ít, do thu nhập bấp bênh.

Để lao động gắn bó với nghề biển

Ngành khai thác thủy sản tỉnh đang có bước tiến mạnh mẽ về ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác trên biển, nhưng trình độ của đại bộ phận ngư dân, nhất là lao động nghề biển thì còn hạn chế. “Muốn nâng cao được chất lượng lao động trên biển, cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Đối tượng thích hợp nhất là con em ngư dân, vừa có kinh nghiệm đúc kết từ gia đình, vừa được đào tạo nâng cao trình độ khai thác”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung đề xuất.

Bên cạnh đó, để “giữ chân” được lao động biển, phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập, bằng cách nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Bởi, có một thực tế là trình độ khai thác thủy sản của ngư dân hiện nay còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập không cao. Chính vì vậy, ngày càng ít người muốn gắn bó với nghề khai thác xa bờ. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tổ chức lại đội tàu khai thác; hiện đại đội tàu khai thác xa bờ...

“Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo cho thuyền trưởng, máy trưởng; các lớp tập huấn về sơ chế, bảo quản sản phẩm hải sản trên biển... nhằm giúp ngư dân làm chủ những chiếc tàu hiện đại, từng bước nâng cao trình độ lao động nghề biển”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến hải sản; tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và bảo quản sản phẩm, góp phần nâng cao trình độ lao động nghề biển, tăng hiệu quả khai thác thủy sản trong giai đoạn hiện nay.

Tổ chức quản lý chặt chẽ hơn

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương ven biển tổ chức quản lý chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá và sổ danh bạ thuyền viên đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Riêng Sở NN&PTNT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết không cho chủ tàu cá sử dụng lao động chưa thành niên (dưới 18 tuổi) làm nghề lặn biển, đánh bắt hải sản xa bờ...

MỸ HOA Quảng Ngãi