Tăng sức cạnh tranh của con cá tra
Năm 2018 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành hàng cá tra nước ta với diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng vượt bậc. Nhu cầu về cá tra dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới. Đây là cơ hội, song cũng là áp lực lớn cho ngành hàng này.
Theo các chuyên gia đầu ngành, việc gia tăng sản lượng cá tra nguyên liệu trong thời gian tới bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, xã hội trong quá trình sản xuất, chế biến.
Xuất khẩu vượt mốc 2 tỉ USD
Tại Hội thảo "Chất lượng sản phẩm - Nền tảng phát triển bền vững ngành cá tra" vừa mới diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết: Năm 2018 ngành hàng nuôi trồng chế biến cá tra xuất khẩu đã tạo nên bước đột phá với diện tích, sản lượng, giá nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu đều đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn, giá cá tra nguyên liệu luôn đạt mức cao và ổn định, giá trị xuất khẩu vượt mốc 2 tỉ USD. Về thị trường xuất khẩu cũng có tín hiệu khả quan, với thị trường Trung Quốc tăng cao; thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR 14 thấp hơn và Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm-FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.
Theo VINAPA, năm 2018, diện tích nuôi cá tra mới ở ĐBSCL đạt 3.819ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn, năng suất trung bình đạt 319 tấn/ha (so với năm 2017 là 308 tấn/ha). Trong đó, một số địa phương tăng diện tích nuôi mới so với năm 2017, như Trà Vinh (tăng 150ha), Cần Thơ (tăng 34ha), Sóc Trăng (tăng 51ha). Năm 2018, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh, có thời điểm lên 28.500-36.000 đồng/kg và hiện nay dao động ở mức 27.000 đồng/kg. Về giá cá tra giống, 3 tháng đầu năm 2018 ở mức cao, trung bình 60.000 đồng/kg (cỡ 30 con/kg), sau đó giảm dần và tăng mạnh từ tháng 8-2018 với mức giá đỉnh điểm khoảng 70.000 đồng/kg. Với giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao như vừa nêu giúp người nuôi cá tra ĐBSCL "bội thu" trong năm qua.
Về thị trường xuất khẩu, những tháng cuối năm 2018, thị trường Mỹ vượt qua Trung Quốc, trở lại là thị trường dẫn đầu trong nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với tổng giá trị hơn 525 triệu USD, tăng 57,7% so với năm 2017. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 thứ hai với kim ngạch hơn 505 triệu USD, tăng 28,9%. Mặc dù thứ hạng giảm so với năm 2017, song Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường nhập khẩu mới nổi, giá trị chiếm tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng: năm 2014 đạt 6,4%, năm 2016 là 17,8% và năm 2018 lên đến 23,5%. Xếp vị trí thứ ba là EU, đạt hơn 231 triệu USD, tăng 19,1%; kế đến là ASEAN đạt hơn 194 triệu USD, tăng 43,1%...
Tập trung vào chất lượng
Theo nhận định từ các chuyên gia, những kết quả ấn tượng trong năm 2018 sẽ là sức ép lớn cho ngành hàng cá tra trong năm 2019. Đó là những thách thức về biến đổi khí hậu (hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp); rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu; giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu còn cao; truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường tiêu thụ thủy sản. Ngoài ra, nhu cầu cá tra nguyên liệu dự báo tăng lên khoảng 2 triệu tấn sau 3-4 năm tới. Khi đó, các giải pháp để thích ứng với những thách thức nội ngành như: con giống, môi trường, quy hoạch… là vấn đề đang được đặt ra.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VINAPA, sản lượng cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian tới bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý cũng cần quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất. Để cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra, Hiệp hội xác định tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như: quy trình ương, sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin để tăng sức đề kháng cho cá giống. Trong khâu nuôi thương phẩm gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường qua các giải pháp xử lý chất thải, ứng dụng IoT (Internet of Things) trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm; sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ AGTECH đề xuất ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm cá tra. Bởi ngày nay, việc sử dụng smartphone để quét mã QR đang dần trở thành thói quen của nhiều người. Đây cũng là giải pháp tương tác trực tiếp và tích cực đến khách hàng tiềm năng qua một số ứng dụng marketing như: ấn phẩm in/ truyền thông xã hội; quảng bá sản phẩm, sự kiện; chương trình khuyến mãi; thu thập thông tin khách hàng... Trước hết, việc truy xuất nguồn gốc điện tử nên triển khai thí điểm cho những doanh nghiệp lớn, có kênh tiêu thụ ổn định; đồng thời có chính sách tăng cường liên kết với các tác nhân tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc. Ông Lý Vỹ Cường, Giám đốc Kỹ thuật tiêu chuẩn ASC, Global GAP, Bureau Veritas Việt Nam cho rằng, vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn như: BAP, Global GAP, ASC,… phải tiếp tục được doanh nghiệp, người nuôi cá tra duy trì và nhân rộng. Bởi ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề về trách nhiệm xã hội, môi trường và an sinh vật nuôi... là các yếu tố để các nhà nhập khẩu quyết định chọn sản phẩm cá tra Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VINAPA, cho biết: Năm 2019 VINAPA sẽ tập trung vào con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp "thẻ vàng" của EU. Song song đó, VINAPA đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án Sản phẩm quốc gia cá da trơn và giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5.400ha.