TIN THỦY SẢN

Tăng thu nhập từ nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông Bùi Văn Tĩnh đang hứa hẹn nhiều triển vọng M.Luận

Tận dụng chuồng nuôi heo bỏ không sau dịch tả heo châu Phi, cuối tháng 8-2020, gia đình ông Bùi Văn Tĩnh ở thôn 7, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng cải tạo gần 15m2 đầu tư nuôi thử nghiệm hơn 4.000 con lươn giống.

Đến nay, sau hơn 7 tháng, đàn lươn của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Ông Tĩnh cho biết, nuôi lươn rất nhàn vì ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi ngày chỉ cần thay nước, rửa bể cho lươn từ 2-3 lần và chỉ sau hơn 10 tháng đầu tư có thể xuất bán. Điều quan trọng là tận dụng được chuồng trại nuôi heo sau dịch tả heo châu Phi.

Từ chuồng nuôi heo, gia đình ông Tĩnh đầu tư ốp gạch men và làm hệ thống đường ống dẫn nước để thau rửa bể hằng ngày cho lươn. Thức ăn chính của lươn là cám và trùn quế. Chất thải, thức ăn dư thừa của lươn được gia đình ông tận dụng dẫn xuống bể nuôi cá trê. Ông Tĩnh tính toán, với giá lươn hiện tại 200 ngàn đồng/kg lươn thịt bỏ sỉ, sau khi trừ chi phí, 10 tháng nuôi 4.000 con lươn, gia đình ông có thể thu lời từ 50-60 triệu đồng, chưa tính giá trị từ cá trê mang lại.

Trong bối cảnh lươn tự nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức, nuôi lươn không bùn được xem là hướng đi mới, nhiều triển vọng, không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi mà còn góp phần nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán khó đối với người nuôi.

Ông Tĩnh cho biết, hiện tại với số lượng nhỏ, gia đình ông liên hệ đầu mối tiêu thụ chủ yếu là tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn và vùng phụ cận. Vì vậy, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, trước khi đầu tư nuôi, người dân cần cân nhắc liên kết, phối hợp từ chuẩn bị con giống đến khâu tiêu thụ, tránh đầu tư ồ ạt, không chủ động đầu ra dễ bị tư thương ép giá dẫn đến thua lỗ.

M.Luận Báo Bình Phước