Tạo đột phá cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Xuân Lai
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những thế mạnh của xã Xuân Lai (Gia Bình), song cơ sở hạ tầng của xã chưa được xây dựng đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân. Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Xuân Lai” được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 30-10-2014 được kỳ vọng tạo ra bước đột phá để phát triển NTTS bền vững, góp phần tăng thu nhập và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Với gần 200ha diện tích ao, hồ, xã Xuân Lai (thuộc vùng trũng của huyện Gia Bình) có nhiều điều kiện để phát triển NTTS. Tuy nhiên việc đầu tư cho phát triển NTTS chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhiều người dân thiếu vốn cải tạo ao, hồ, trong khi giá các loại giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hệ thống điện, giao thông, thủy lợi đầu tư trước đây phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, khi chuyển sang NTTS không còn phù hợp…
Ông Lê Đình Vọng, chủ trang trại NTTS tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai bày tỏ hy vọng: “Năm 2001, nhà tôi đấu thầu được 5000m2 đất trũng để vừa cấy lúa vừa thả cá. Do mực nước nông nên cá chậm lớn, vào mùa xuân thường bị dịch bệnh, năng suất kém. Chưa kể, đường giao thông nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc vận chuyển thức ăn, con giống cũng như thu hoạch cá khi vào vụ. Chúng tôi mong muốn sẽ được nhà nước hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi giúp chúng tôi thâm canh ổn định hơn”.
Ngày 30-10-2014, UBND tỉnh có Quyết định số 1153/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Xuân Lai”. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 35,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, do UBND huyện Gia Bình làm chủ đầu tư trên diện tích 26ha, bao gồm các hạng mục chính: Xây dựng đường vào khu NTTS, ao NTTS, tuyến kênh chính cấp nước cho khu NTTS, tuyến kênh nhánh cấp nước cho các ao, tuyến kênh tiêu thoát nước cho khu NTTS, khu xử lý môi trường, hệ thống điện phục vụ sản xuất, chiếu sáng và sinh hoạt… với thời gian thực hiện từ năm 2014-2016.
Dự án nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa một vụ năng suất bấp bênh và các ao, hồ nhỏ lẻ thành các ao, hồ lớn có sức chứa bình quân khoảng 450.000m3 để nuôi cá, tôm và các loại thủy sản khác có hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đưa năng suất khai thác tại khu NTTS bình quân đạt từ 10 tấn/ha/năm trở lên, qua đó hình thành vùng NTTS tập trung có giá trị kinh tế cao, tiến tới xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai Trần Văn Hoa cho biết: “Từ khi dự án được phê duyệt, chính quyền và người dân xã Xuân Lai, nhất là các hộ trong vùng NTTS rất phấn khởi, kỳ vọng về một vùng NTTS với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ được đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Để phát triển NTTS bền vững, xã mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp tục có những chính sách quan tâm, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tạo thuận lợi cho người dân đầu tư mở rộng sản xuất”.
Theo ông Bùi Thế Sẫm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình, Giám đốc BQL dự án, đến nay, các đơn vị chức năng đã tiến hành khảo sát, thiết kế và thẩm định, chuẩn bị các phương án đấu thầu, thi công. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, trong thời gian tiếp theo, Xuân Lai cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, thông báo tới các chủ hộ trong vùng nuôi tạm dừng tái đàn, bảo đảm về mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi công trong tháng 12.
Kết quả của dự án sẽ là cơ sở cho việc mở rộng quy mô chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý cho các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự như Song Giang, Quỳnh Phú, Giang Sơn, Nhân Thắng… Qua đó, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân sang sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy thế mạnh của nghề NTTS, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.