TIN THỦY SẢN

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nuôi tôm giảm giá thành

Tập đoàn thủy sản Minh Phú Sáu Nghệ

Tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm” do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 11/12/2023, ông Lê Văn Quang là Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã giới thiệu Công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO (Công nghệ MPBiO) đã giảm được giá thành, đưa tới lợi nhuận cao.

Nhiều đêm thức trắng  

Ông Lê Văn Quang nêu câu hỏi cả ngành tôm đang day dứt: Tại sao giá thành tôm Việt Nam lại cao gấp đôi Ecuador? Và ông trả lời: “Tìm hiểu sâu nhiều năm tôi thấy Ecuador tiếp cận theo cách tôm kháng bệnh/chống chịu cao và nuôi tôm vừa sức tải môi trường nên hơn 20 năm nay họ đã có tôm kháng bệnh và chống chịu cao. Còn Việt Nam tiếp cận theo cách tôm sạch bệnh và lớn nhanh, sạch bệnh nhưng thả vào môi trường đầy rẫy mầm bệnh thì tôm rất dễ chết, lớn nhanh thì khả năng chống chịu với thời tiết, khí hậu và môi trường kém nên tôm cũng dễ chết. Còn giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn cả Ấn Độ và Indonesia 30% là vì hai nước kia chỉ nuôi với mật độ 60-70con/m2; Còn Việt Nam nuôi với mật độ 200-500con/m2 để mong sản lượng cao hơn và lợi nhuận cao hơn”.  

Kết quả sau hơn 30 năm nuôi tôm, ông Quang thừa nhận, mong muốn trên của Việt Nam là không thể đạt được. Việt Nam trước kia nuôi với mật độ 60-70con/m2 thì rất thành công, lợi nhuận cao, nhưng rồi cứ tăng lên 120, 150, 200, 250, 300 và tới 350con/m2 lúc nào không hay. Theo đó, tỷ lệ tôm sống ngày càng thấp chỉ dưới 40% và càng nuôi càng lỗ, đến mức trầm trọng. Nên ông Quang đã quyết định trên diện tích của doanh nghiệp, giảm mật độ xuống 150 con/m2 và không để vượt sức tải 2,5 kg/m3 thì tỷ lệ tôm sống nâng lên được 77,5%. Tuy nhiên, vẫn lỗ vì giá thành nuôi cao mà giá bán thấp.  

Khả năng chống bệnh của tôm ngày càng thấp. Ảnh: vneconomy.vn

“Chả lẽ mình bỏ nghề nuôi tôm sao? Phải tìm được cách nào vượt qua vấn đề này chứ? Nuôi tôm theo Ecuador thì bất khả thi, còn nuôi tôm theo Ấn Độ và Indonesia thì giá thành tôm quá cao vì môi trường của Việt Nam đã quá xấu rồi, muốn nuôi được tôm thì phải xử lý nước đầu vào thật sạch ngăn chặn mầm bệnh thật nghiêm ngặt nên đẩy giá thành lên rất cao, nuôi được 30 con/kg nhưng vẫn lỗ. Làm thế nào đây?”, ông Quang chia sẻ niềm day dứt ông trong nhiều đêm thức trắng. 

Công nghệ MPBiO 

Sau thời gian dài cùng các chuyên gia, các tiến sỹ khoa học rà soát lại hơn 50 công nghệ nuôi tôm và ông Quang cho hay, đã học và nuôi thử nghiệm để giải cho bài toán hóc búa là nuôi tôm giảm giá thành bằng hoặc thấp hơn Ecuador tức là dưới 80.000 đồng/30con/kg. Thế là ra đời Công nghệ MPBiO, đầu tiên áp dụng 7 ha ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau qua 1,5 vụ thành công 100%. Tiếp theo nuôi thử nghiệm 474 ao ở MPLA với Công nghệ MPBiO 2-4-6 cũng thành công.  

Cụ thể, ông Quang giới thiệu, đến giờ này ao nuôi dài nhất là 100 ngày thu size 25 con/kg, ao trung bình 90- 95 ngày thu size 28-34 con/kg, còn ao ngắn nhất 55-65 ngày thu size 50-55con/kg. Đặc biệt nuôi theo Công nghệ MPBiO tôm khỏe và luộc lên có màu đỏ rất đẹp, bán được tôm ôxy giá cao tới 195.000 đồng/30con/kg, trong lúc giá thành không quá 80.000 đồng/30con/kg. 

Công nghệ MPBiO theo ông Quang là tổng hợp của 9 giải pháp công nghệ: Kháng thể IgY, Biomimiray, Copefloc, Biofloc, Tảo khuê, Probiotics, Sinh học, BioClear, Tôm bố mẹ có khả năng chống chịu cao. Công nghệ đã đạt 5 mục tiêu: Phỏng theo tự nhiên, Cân bằng môi trường, Phát triển bền vững, Chi phí sản xuất thấp, Lợi nhuận cao và ổn định.  

Mật độ nuôi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm trong ao. Ảnh: Báo Nghệ An

Sau thành công ở diện tích nuôi tôm của Minh Phú, ông Quang bộc bạch là lại nhiều đêm trăn trở để làm sao cho người dân nuôi tôm cùng được hưởng lợi của Công nghệ MPBiO, nhất là hơn 70% diện tích nuôi tôm của các hộ nuôi tôm đang treo ao. Và ông Quang quyết định, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú phải hợp tác với các hộ nuôi tôm để nuôi tôm theo Công nghệ MPBiO và còn phải hợp tác với Công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm quốc tế bán bảo hiểm cho hộ nuôi tôm để giảm thiểu rủi ro và nhất là thông dòng vốn cho nuôi tôm. Vì có Công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho hộ nuôi tôm thì ngân hàng mới sẵn sàng cho hộ nuôi tôm vay tiền với lãi suất phù hợp.  

Sau nhiều tháng Công ty bảo hiểm khảo sát Công cụ giám sát ao nuôi tôm theo thời gian thực TOMOTA của Minh Phú, họ thấy là đã ngăn chặn được trục lợi bảo hiểm và đặc biệt họ khảo sát kỹ Công nghệ MPBiO thấy tỷ lệ thành công rất cao nên đã đồng ý ký hợp đồng bảo hiểm nuôi tôm với Minh Phú. Theo ông Quang, nếu có bảo hiểm nuôi tôm thì hộ nuôi chỉ mua thức ăn nuôi tôm với giá không quá 27.000 đồng/kg chứ không phải mua giá 35.000-40.000 đồng/kg như hiện nay, giảm được trên 25%.  

“Chặng đường phía trước còn gian nan và vất vả nhưng nếu được sự chỉ đạo và đồng hành của các cấp Đảng và Chính quyền cùng sự hợp tác của các hộ nuôi tôm thì chắc chắn giá thành tôm Việt Nam sẽ thấp hơn Ecuador và lúc đó Việt Nam sẽ là cường quốc tôm trên thế giới”, ông Quang kết luận.  

Sáu Nghệ