TIN THỦY SẢN

Tàu cá Trung Quốc tăng chóng mặt nhờ trợ giá

Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc khởi hành từ cảng Thẩm Gia ở tỉnh Chiết Giang hướng tới ngư trường trên biển Hoa Đông - Ảnh: Reuters D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

Quy mô ngành đánh bắt xa bờ của Trung Quốc vô cùng khủng khiếp, mà một trong những nguyên nhân là nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu của chính phủ.

Sau nhiều năm theo dõi ngành đánh bắt xa bờ (DWF) tại các vùng biển nước ngoài hoặc vùng biển quốc tế của các tàu cá Trung Quốc, Greenpeace vừa công bố những thông tin mới nhất cảnh báo về tình trạng bành trướng không kiểm soát của hoạt động này.

Theo đó, hiện Trung Quốc có tổng cộng khoảng 2.460 tàu cá, nhiều gấp 10 lần so với số tàu cá của Mỹ. Đáng lo ngại hơn, số tàu cá Trung Quốc sẽ còn tăng nhanh và nhiều hơn nữa khi chính quyền Bắc Kinh tiếp tục chương trình trợ giá cho hoạt động này.

Động thái chống lưng cho DWF của Trung Quốc được Greenpeace cảnh báo không những ảnh hưởng tới sự phát triển của chính ngành này của Trung Quốc mà còn gây sức ép và nhiều vấn đề phức tạp khác cho sự bình ổn chung trên các đại dương thế giới.

Greenpeace chỉ ra vấn đề chính sách trợ giá nhiên liệu của Chính phủ Trung Quốc cho tàu cá ngày càng tăng.

Bắc Kinh đã trợ giá cho doanh nghiệp DWF của họ từ lúc giá dầu diesel là 2.870 nhân dân tệ (431,74 USD)/tấn cho tới khi tăng lên 5.070 nhân dân tệ/tấn.

Chỉ tính riêng việc trợ giá này, số tiền nhà nước Trung Quốc bỏ ra chống lưng cho DWF đã tăng gần 10 lần, từ mức 281 triệu nhân dân tệ (42 triệu USD) năm 2006 lên 2,68 tỉ nhân dân tệ (403 triệu USD) năm 2011.

Cùng với tăng trợ giá, việc công khai các chính sách này cũng ngày càng mù mờ hơn kể từ khi Trung Quốc buộc phải công bố báo cáo trợ giá DWF năm 2011. Sự thiếu minh bạch đương nhiên khiến các bên thứ ba không thể phân tích và đánh giá chính xác thực trạng của DWF Trung Quốc.

Không chỉ được nhà nước chống lưng, báo cáo của Greenpeace còn chỉ ra thực tế các doanh nghiệp DWF được chính quyền cấp tỉnh, thành phố ưu đãi đặc biệt trong phát triển.

Chỉ trong các năm từ 2012-2014, số lượng tàu cá DWF của Trung Quốc đã tăng từ 1.830 chiếc lên 2.460 chiếc, mức tăng tương đương với lượng tăng trong 16 năm từ 1994-2010. Lượng tàu cá này chủ yếu tập trung tại hai tỉnh Phúc Kiến và Sơn Đông.

Hai tỉnh này có số lượng tàu cá chiếm tới 2/3 tổng lượng tàu cá tăng thêm của toàn Trung Quốc. Chưa kể tỉnh Phúc Kiến còn có kế hoạch khuếch trương số tàu cá của họ thêm 400 chiếc vào năm 2020.

Việc phát triển ồ ạt đội tàu cá DWF của Trung Quốc bị đánh giá là vượt quá khả năng khai thác thực tế và thiếu bền vững.

Nghiên cứu của Greenpeace chỉ rõ các doanh nghiệp DWF của Trung Quốc sẽ không thể thu được lợi nhuận từ hoạt động khai thác nếu không được chính phủ trợ giá nhiên liệu.

Chẳng hạn, từ năm 2012-2014, đội tàu cá của tỉnh Phúc Kiến tăng thêm 149% nhưng năng lực khai thác chỉ tăng 63%.

Trong khi đó, đội tàu cá tỉnh Sơn Đông tăng 232% nhưng năng lực khai thác chỉ tăng 77%. Theo đó, nếu chính sách trợ giá bị cắt giảm, việc bành trướng vô độ của DWF chắc chắn lãnh hậu quả khôn lường khi quá nhiều gia đình Trung Quốc lệ thuộc sinh kế vào đây.

Nhìn từ góc độ các tranh chấp quốc tế, tình trạng “lạm phát” tàu cá của DWF Trung Quốc rõ ràng đang gây ra nhiều phức tạp và căng thẳng hơn cho các vùng biển quốc tế.

Việc tàu cá Trung Quốc bị lực lượng hải cảnh Argentina đánh chìm và bị hải cảnh Indonesia bắt giữ trong nửa đầu năm nay là những minh chứng cụ thể cho điều này.

5 quan ngại về ngành đánh bắt xa bờ Trung Quốc

1. Trợ giá nhiên liệu ngày càng tăng.

2. Báo cáo về chính sách trợ giá thiếu minh bạch.

3. Cơ chế bảo trợ của chính quyền địa phương gây “lạm phát” số tàu cá.

4. Phát triển ngành đánh bắt không cân bằng và thiếu bền vững.

5. Làm gia tăng các tranh chấp trên biển. (Nguồn: Greenpeace)

Theo Greenpeace, Mỹ đã gửi yêu cầu chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) yêu cầu Trung Quốc phải công khai chính sách trợ giá cho DWF của họ, đồng thời phải thực thi chính sách này theo những quy định của WTO.

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn) Báo Tuổi Trẻ, 12/08/2016