Tàu nằm bờ, ngư dân… ôm nợ
Vay tiền để đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, vợ chồng ông Võ Huỳnh Thành - Nguyễn Thị Hân (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) những tưởng sẽ ăn nên làm ra, sau vài năm thì dứt nợ ngân hàng. Thế nhưng mọi dự tính đều tan tành sau một cơn bão, vợ chồng ông Thành bị ngân hàng kiện ra tòa. Thay vì chỉ lo chuyện vươn khơi, bám biển thì nay vợ chồng ông Thành phải chạy vạy khắp nơi xin cứu xét với mong muốn được giữ lại con tàu, gầy dựng lại cơ nghiệp.
Bão tan nhưng “sóng gió” chưa qua
Nhớ lại thời khắc khi buộc phải đưa ra quyết định là bỏ hay “ôm” tàu, cùng vật lộn với con sóng trước cơn bão biển đang gần kề, ông Võ Huỳnh Thành - thuyền trưởng tàu cá mang biển kiểm soát BL 93222TS kể: “Hôm đó là ngày 2/1/2019, chiếc tàu bị chết máy tại tọa độ 7,58 độ vĩ Bắc, 106,2 độ kinh Đông, cách Gành Hào khoảng 130km, ngay khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão Pabuk. Tàu không hoạt động được trong khi sóng gió ngày càng mạnh dần, các thuyền viên trên tàu khuyên tôi nên bỏ tàu để đảm bảo tính mạng. Thế nhưng tôi kiên quyết giữ lái và giữ tàu, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu. Sau khi nhận được tín hiệu, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 2 thông báo là đã cử tàu kiểm ngư KN 269 xuất phát từ Côn Đảo đến ứng cứu. Khi tàu KN 269 tiếp cận thì chiếc tàu của tôi đã bị sóng đánh vỡ kính, nước tràn vào cabin và khoang máy nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn…”. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm của người thuyền trưởng, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng cứu hộ đã đưa chiếc tàu của ông Thành cùng 8 thuyền viên vào nơi tránh trú an toàn.
Cứ tưởng bão tan thì mọi “sóng gió” cũng qua đi, nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. Sau khi tàu được đưa vào bờ, các cơ quan bắt đầu thẩm định thiệt hại: Phần thân tàu bị thiệt hại trên 300 triệu đồng; toàn bộ dàn lưới trị giá gần 6 tỷ đồng không tìm thấy... Bà Hân (vợ ông Thành) tất tả làm các thủ tục để được nhận tiền bồi thường, nhưng tại Văn bản số 52, ngày 4/6/2019, đơn vị bảo hiểm cho rằng “chỉ chi trả tiền bảo hiểm thân tàu, không chi trả tiền mất mát ngư lưới cụ”. Do không có tiền mua lại dàn ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi đánh bắt, con tàu phải nằm bờ, đẩy gia đình ông Thành vào cảnh khó khăn. Sau gần 2 năm nằm bờ, con tàu vỏ thép nay đã ngả màu, nhiều trang thiết bị giá trị trên tàu cũng bị kẻ gian lấy mất. Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng ông Thành cũng đã nhiều lần tính đến chuyện làm đơn xin trả tàu.
Tìm giải pháp giúp ngư dân vươn khơi, bám biển
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó, vợ chồng bà Hân liên tiếp bị ngân hàng đòi lại số tiền trên 25 tỷ đồng theo hợp đồng vay vốn đóng mới tàu. Do không thể trả được tiền gốc và lãi suất, ngân hàng kiện vợ chồng bà ra tòa. Ngày 17/2/2020, bà Hân nhận được quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của Cơ quan Thi hành án huyện Đông Hải. Theo nội dung quyết định, ngày 26/2/2020, bà Hân bị Cơ quan Thi hành án kê biên luôn cả quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cùng hai con tàu vỏ gỗ khác do vợ chồng bà cùng đứng tên (do những tài sản này cũng đã được thế chấp để vay vốn đóng tàu BL 93222TS). Bà Hân chia sẻ: “Con tàu là công sức, vốn liếng và tất cả tâm huyết của vợ chồng tôi nên giờ nhìn nó nằm bờ mà lòng tôi đau như cắt. Tôi thật sự bế tắc, không biết phải làm gì để cứu vãn tình thế, cứu con tàu của mình. Rất mong các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ để vợ chồng tôi có thể vươn khơi trở lại”.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã có cuộc họp với các sở, ngành có liên quan để bàn giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định 67. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bên có liên quan đề xuất mức hỗ trợ thiệt hại về tài sản theo Điều 3, Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro do thiên tai, trên biển theo khả năng ngân sách của tỉnh, đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề này, ông Trần Xí Khuôl - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Hiện Chi cục đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết để các sở, ngành có liên quan xem xét và có phương án hỗ trợ ngư dân gặp nạn trong bão số 1/2019 để giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát huy hiệu quả Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.
Hy vọng rằng, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thì các sở, ngành có liên quan sẽ nhanh chóng vào cuộc xem xét, hỗ trợ, giúp vợ chồng ông Thành - bà Hân có điều kiện vươn khơi, bám biển trở lại.