Thái Bình: Bảo đảm cho nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi thủy sản là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cho nông dân và bảo đảm phát triển ổn định, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, trước khi bước vào vụ nuôi trồng mới năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Năm 2018, nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Tổng diện tích nuôi trồng đạt 15.249ha bao gồm cả diện tích nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Theo Cục Thống kê tỉnh, sản lượng nuôi trồng ước đạt 149.502 tấn thủy sản các loại: ngao, cua, tôm, cá cho giá trị ước đạt 3.374,089 tỷ đồng, tăng 7,52% so với năm 2017. Thắng lợi đó khiến các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh phấn khởi chuẩn bị bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới năm 2019. Theo kế hoạch, năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến đạt 15.270,6ha, tăng hơn 20ha so với năm 2018; phấn đấu sản lượng đạt 161.320 tấn, giá trị đạt hơn 3.630 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2018.
Để đạt được mục tiêu đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp: hướng dẫn sản xuất nuôi trồng thủy sản; quản lý về giống thủy sản; quản lý về thức ăn, nguyên liệu, chất bổ sung thức ăn thủy sản; quản lý môi trường nuôi, các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng; quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch vùng, diện tích nuôi trồng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Rút kinh nghiệm từ dịch bệnh đốm trắng trên tôm năm 2018 làm 26,52ha diện tích tôm chết, ngay từ đầu năm 2019, Chi Cục Thủy sản phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động triển khai các biện pháp quản lý, giám sát, phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh ngay từ đầu vào và quá trình nuôi trồng thủy sản, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn khung lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi trồng, cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản; kiến thức về quản lý và sản xuất, kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản cho cán bộ lâm sinh thủy sản các địa phương và các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tư vấn và chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản VietGAP, hỗ trợ sau đầu tư các loại máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp, hộ sản xuất khi thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao góp phần hạn chế phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản. Đặc biệt, Chi cục Thủy sản huy động nhân lực, phương tiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Chi cục cũng phối hợp với các viện và trung tâm quan trắc tổ chức quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản, chủ động cung cấp thông tin cho người dân; đầu tư về trang thiết bị, xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn cho cán bộ và triển khai kịp thời công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Không chủ quan trước diễn biến phức tạp và sự nguy hại của dịch bệnh trên thủy sản năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh thủy sản. Ngoài tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thực hiện theo dõi tình hình hàng ngày để phát hiện và báo cáo kịp thời động vật thủy sản bị bệnh, bị chết và xử lý theo quy định, Chi cục có kế hoạch lấy mẫu bệnh phẩm (dự kiến 135 mẫu bệnh đối với tôm, 972 mẫu đối với cá), mẫu môi trường để xét nghiệm mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường; kiểm tra mầm bệnh lưu hành trên thủy sản đánh giá nguy cơ bùng phát dịch nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ bệnh dịch lây lan, có biện pháp xử lý, khoanh vùng dập dịch.
Với phương châm phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở và cả cộng đồng vào cuộc đồng bộ thực hiện nghiêm: công tác chủ động giám sát dịch bệnh thủy sản; điều tra ổ dịch và các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch. Tăng cường kiểm dịch giống, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra việc quản lý kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thuốc thú y, vắc-xin và hóa chất tại địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về dịch bệnh thủy sản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, họp sơ kết, tổng kết phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản đạt hiệu quả, UBND tỉnh dự kiến cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.378.470.000 đồng và chỉ đạo cấp huyện, cấp xã bảo đảm kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý tài chính; các hộ nuôi trồng thủy sản cũng chủ động vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo ao, đầm nuôi, sử dụng con giống chất lượng tốt, chuẩn bị đầy đủ hóa chất để khử trùng, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi.