Thận trọng khi sử dụng điện trong nuôi tôm
Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng tai nạn điện gây chết người, nhất là ở các vuông tuôi tôm nước lợ, tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, ở Sóc Trăng đã xảy ra 12 vụ tai nạn điện làm chết 12 người. Trong đó có 7 vụ xảy ra do việc sử dụng điện nuôi tôm, thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đến 5 vụ tai nạn điện trong khu vực nuôi tôm.
Hơn một năm nay, mỗi ngày thắp hương trước di ảnh của chồng, chị Huỳnh Thị Cẩm ở Xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu đều không thể cầm được nước mắt. Trước đây, chồng chị là anh Lê Bình Khiêm làm thuê cho chủ tàu đánh cá nên thường xuyên lênh đênh trên biển, còn chị ở nhà làm thuê để có thêm thu nhập. Cưới nhau được gần 5 năm, chị mới hưởng được niềm vui làm mẹ và niềm vui ấy như được nhân lên khi chị được cha, mẹ chia cho 1 ao để nuôi tôm 1.000m2. Anh chị chăm sóc đàn tôm và nuôi hy vọng trúng mùa, chồng chị không làm thuê trên tàu biển nữa mà vợ chồng kiếm thêm việc làm ở địa phương và cùng chăm lo cho con, thế nhưng mọi hy vọng đều tan biến. Chị Huỳnh Thị Cẩm tâm tình: “Vụ đầu tiên nuôi tôm phát triển rất là tốt, vợ chồng tôi rất là vui mừng, cố gắng chăm sóc để có vụ thu hoạch hiệu quả cao. Nhưng trong quá trình nuôi do chồng tôi bất cẩn trong sử dụng điện nên bị điện giật tử vong, tôi rất là đau lòng. Từ sự cố tai nạn về điện của chồng tôi, mong bà con nuôi tôm sử dụng điện sao cho an toàn đừng để có hoàn cảnh như tôi”.
Các hộ nuôi tôm trong tỉnh chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng nên hầu hết các vuông tôm đều phải có dàn quạt nước để cung cấp oxy cho đàn tôm nuôi. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ tự kéo nhánh điện từ sau công tơ ra vuông tôm. Có nhiều vuông tôm, các nhánh điện được giăng kéo sơ sài, có nơi hộ nuôi tôm sử dụng dây điện tiết diện nhỏ, tùy tiện sử dụng cây gỗ nhỏ làm cột trụ và không có sử dụng thiết bị cách điện… đây là nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn điện xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Đáng lo ngại là nhiều hộ nuôi tôm chỉ kéo từ công tơ điện ra một dây pha (còn gọi là dây nóng) và đóng cọc sắt dưới vuông tôm (còn gọi là đóng te) nối dây vào sử dụng thay cho dây trung tính (còn gọi là dây nguội). Đóng te chẳng những nguy hiểm cho người sử dụng mà còn cho người chung quanh vì nếu mối te bị lỏng thì sẽ giật chết người.
Là vùng trọng điểm nuôi tôm của thị xã Vĩnh Châu, từ năm 2015 đến nay, xã Vĩnh Hiệp đã xảy ra 9 vụ tai nạn điện trong vuông tôm làm chết 9 người. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Công An xã Vĩnh Hiệp - thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Hộ nuôi tôm khi kéo điện ra ao nuôi để chạy quạt, thay vì phải kéo 2 dây cho an toàn nhưng vì muốn tiết kiệm nên chỉ kéo 1 dây nên rất nguy hiểm. Còn về kỹ thuật đóng cọc cho điện tiếp đất, bà con không tuân theo khuyến cáo của ngành chuyên môn; các thiết bị điện sử dụng lâu ngày bị rò rĩ cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn về điện”.
Cán bộ ngành điện nhắc nhỡ hộ nuôi tôm sử dụng điện an toàn.
Hàng năm, công ty Điện lực Sóc Trăng đã đầu tư khoảng 1 tỉ đồng phối hợp cùng các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm nhằm nâng cao ý thức an toàn về điện cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn không ít hộ chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp an toàn khi sử dụng điện. Ông Nguyễn Chí Nhơn, Phó Giám đốc công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết: “Trong thời gian tới, để giảm thiểu tai nạn điện, nhất là ở khu vực nuôi tôm, theo tôi thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng các tiểu phẩm lồng ghép nội dung an toàn về điện. Các đơn vị Báo, Đài tăng cường tuyên truyền đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về sử dụng điện an toàn. Đơn vị quản lý Nhà nước, Sở Công thương vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn trong công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành những quy định, trong đó có những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những cá nhân, những hộ sử dụng điện không an toàn”.
Điện là nguồn năng lượng chính trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của mọi người, song việc sử dụng điện cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nếu bất cẩn rất dễ dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, người dân cần phải thực hiện các biện pháp an toàn khi sử dụng điện, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn điện, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.