Thanh Hóa: 156 tấn ngao Hậu Lộc chết trắng đồng, chưa rõ nguyên nhân
Theo báo cáo của UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá), từ ngày 5-1-2022 đến nay tại vùng nuôi ngao tập trung ở các xã bãi ngang xảy ra hiện tượng ngao nuôi chết bất thường với tỷ lệ ngao chết từ 5 - 30%, với quy mô diện tích vùng có ngao chết khoảng 300 ha (trong đó xã Đa Lộc 200ha, xã Hải Lộc 100 ha) với số lượng 156 tấn ngao bị chết của 176 hộ nuôi.
Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình ngao nuôi bị chết tại huyện Hậu Lộc, cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản đã xuống địa bàn kiểm tra, lấy mẫu xác định nguyên nhân ngao chết. Đồng thời, lấy mẫu nước và mẫu ngao gửi Trung tâm quan trắc môi trường và dịch bệnh thủy sản miền Bắc - Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I để phân tích, xác định nguyên nhân.
Qua kết quả phân tích các chỉ tiêu dịch bệnh mẫu ngao chết cho thấy: Vi khuẩn Vibrio, bệnh Perkinsus sp. đều âm tính.
Đối với chỉ tiêu môi trường nước nuôi ngao: Độ mặn, N-NH3, P-PO42-, H2S và chlorophyll-a đều có giá trị trong khoảng phù hợp cho nuôi thủy sản. Chỉ tiêu N-NO2 có 3/6 mẫu kiểm tra có giá trị cao vượt ngưỡng 1,04 lần, mức vượt ngưỡng rất thấp không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ngao, không phải là tác nhân gây chết ngao. Chỉ tiêu COD có 6/6 mẫu đều vượt cao hơn giới hạn 1,44-1,96 lần cho thấy có hàm lượng chất hữu cơ cao, có thể do xác ngao chết phân hủy tạo ra, có ảnh hưởng đến sức khỏe của ngao nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây chết ở ngao.
Trung tâm quan trắc môi trường và dịch bệnh thủy sản miền Bắc - Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I kết luận, hiện tượng ngao chết không phải do dịch bệnh; có thể do tác động cộng gộp của một số yếu tố môi trường bất lợi và mật độ nuôi dày.
Ngao chết được thu gom để tránh ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Ảnh Duy Hưng
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có ngao nuôi thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Tiếp tục rà soát lại quy hoạch nuôi ngao của địa phương. Đối với những vùng nuôi không đủ điều kiện về yêu cầu kỹ thuật nên chuyển đổi sang trồng rừng.
Hướng dẫn các hộ thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang vùng nuôi khác.
Đối với ngao đạt kích cỡ thương phẩm cần có kế hoạch thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra; ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch ở những bãi nuôi còn sống có mật độ dày cần san thưa hoặc di chuyển ngao đến vùng nuôi có yếu tố môi trường ổn định.
Làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước làm ảnh hưởng đến vùng nuôi ngao. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nuôi ngao. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phân công cán bộ chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình nuôi ngao trên địa bàn để kịp thời cập nhật thông tin, thống kê tình hình thiệt hại, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày.