Thanh Hóa: Hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững
Các địa phương ven biển có diện tích bãi triều lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước mặn, lợ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc định hướng, đầu tư NTTS theo hướng bền vững vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm được quan tâm tháo gỡ.
Để phát triển NTTS nước mặn, lợ thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng công nghiệp, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, đồng thời, thúc đẩy liên kết NTTS theo chuỗi giá trị, sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển, theo ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng NTTS (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Vấn đề còn tồn tại trong NTTS nước mặn, lợ, đó là, môi trường ngày càng xấu đi do các hoạt động sản xuất, chất thải sinh hoạt hàng ngày thải ra vùng cửa sông, cửa biển. Người nuôi vẫn thực hiện theo hình thức nuôi quảng canh, không có ao lắng kiểm soát nguồn nước ra vào đầm nuôi. Lâu nay vấn đề quản lý vật tư, con giống thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa kiểm soát chặt chẽ từ ương giống đến vận chuyển. Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có nhu cầu thả nuôi từ 700 đến 800 triệu con giống thủy sản, nhưng chủ yếu di ương ở các tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, việc thực hiện liên kết giữa các địa phương có cơ sở sản xuất giống thủy sản với các địa phương tiêu thụ con giống phải bảo đảm chặt chẽ, có như vậy con giống thủy sản mới bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển rà soát, xác định đặc điểm từng vùng biển gần bờ, ven đảo, cửa sông, ven biển để có định hướng, xác định đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp. Từng bước định hướng cụ thể để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân áp dụng phương thức nuôi quy mô công nghiệp (thâm canh) tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng biển, đảo. Nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều, cửa sông... Đồng thời, hướng tới sản phẩm thủy sản nuôi có được chứng nhận bởi các tổ chức cấp chứng nhận quốc tế, được thị trường khuyến khích, công nhận. Để thực hiện được điều đó, cần tổ chức lại các hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng. Chú trọng các mô hình tổ hợp tác, HTX nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường. Phát triển hệ thống trại sản xuất giống chất lượng cao, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trại sản xuất giống hiện đại, trang bị đủ hệ thống bảo đảm chất lượng và truy xuất nguồn gốc con giống, đáp ứng cơ bản nhu cầu giống thủy sản.
Đi đôi với đó, qua khảo sát thực tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Công ty CP Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, tại xã Hải Bình (Tĩnh Gia), đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng bè tại khu vực đảo Hòn Mê. Mô hình thực hiện bằng các lồng nuôi theo công nghệ cao của Na Uy, làm hoàn toàn bằng nhựa HDPE đặc chủng, có khả năng chống chịu với bão gió cấp 12 và thao tác dễ dàng. Mô hình được thực hiện trên diện tích 5 ha nước mặt biển tại khu vực đảo Mê, con nuôi chủ yếu, như: Cá giò, tôm hùm, ốc hương. Đến nay, dự án thực hiện thành công và đang nhân rộng NTTS theo hướng công nghệ xa bờ, giảm thiểu tác động xấu của môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Ngoài ra, trong NTTS nước mặn, lợ trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); Quảng Nham, Quảng Chính (Quảng Xương); Hải Ninh, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Thanh Thủy (Tĩnh Gia)... Các vùng nuôi đã từng bước áp dụng nuôi theo hướng VietGAP đối với tôm thẻ chân trắng thâm canh; các hình thức nuôi tôm sú xen cá thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trong nhà có mái che, áp dụng công nghệ biofloc, nuôi tôm thương phẩm trong bể xi măng cho năng suất cao hơn 20 - 30% so với hình thức nuôi bình thường...
Tỉnh ta đang triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020. Trong đó tập trung phát triển các vùng NTTS thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến để mở rộng sản xuất. Thực hiện phát triển ngành tôm tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng NTTS tập trung tại xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, như: Tôm he chân trắng, tôm sú, ngao... Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kỹ thuật, môi trường để hạn chế rủi ro về môi trường, dịch bệnh. Tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Thực hiện áp dụng quy trình VietGAP trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Nâng cao nhận thức của nhân dân, chủ cơ sở nuôi về tác hại của dịch bệnh trong NTTS. Thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường, tần suất quan trắc 2 lần/tháng ở các huyện vùng triều. Quan trắc đột xuất tiến hành khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng NTTS trong tỉnh với các đối tượng, như: Tôm, cá biển, cá nước ngọt và nhuyễn thể.