Thanh Hóa: Phát triển nuôi tôm sú bán thâm canh
Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình được triển khai tại xã Hoằng Lưu huyện Hoằng Hóa với 2 hộ dân tham gia.
Điểm mới của mô hình nuôi tôm sú do trung tâm Khuyến nông triển khai là được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào con giống, thức ăn đến quy trình kỹ thuật chăm sóc. Xác định con giống đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi, nên tôm giống được Trung tâm lựa chọn đưa vào mô hình là giống tôm được sản xuất theo quy trình sinh học. trong quá trình sản xuất giống không dùng thuốc kháng sinh, mà sử dụng các tác nhân sinh học, ứng dụng chất kháng khuẩn tự nhiên từ tảo và vi sinh hữu ích để tăng sức đề kháng của tôm và lấn át sự phát triển của mầm bệnh, tăng cường sử dụng thức ăn tự nhiên như tảo, luân trùng, Artemia, khoáng chất. Và đặc biệt ngay từ khi còn là ấu trùng, đã sử dụng vi sinh có lợi để bảo vệ môi trường nuôi và tăng cường sức khỏe cho tôm. Ngoài ra tôm giống còn được sử dụng vi sinh làm sạch môi trường và vi sinh đường ruột, giúp ổn định môi trường vi sinh vật bên trong và bên ngoài cơ thể tôm, tạo lá chắn tự nhiên kháng bệnh cho tôm. 100% tôm được xét nghiệm mầm bệnh trước khi xuất. Sau khi xuất trại, các lô hàng đều được lưu mẫu đối chứng để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm trong thời gian vận chuyển và giao hàng.
Bên cạnh việc lựa chọn giống tốt, các hộ thực hiện mô hình còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật như chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống, với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao. Nước cấp vào ao nuôi tôm được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại.
Thức ăn sử dụng trong nuôi tôm nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, do đó mỗi lần cho ăn, các hộ kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày. Công tác quản lý và chăm sóc ao nuôi tôm được chú trọng, mực nước ao nuôi được duy trì thấp nhất 1,4m. Ngoài ra, các hộ nuôi còn định kỳ kiểm tra chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi. Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chất thải rắn và bùn đáy ao được đưa vào khu chứa riêng biệt, không xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.
Việc giám sát sức khoẻ tôm nuôi và phòng bệnh cho tôm được các hộ nuôi thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn. Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh. Trong suốt quá trình nuôi, các hộ thực hiện việc ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi tôm theo mẫu.
Qua nghiệm thu tổng kết mô hình cho thấy, sau gần 3 tháng muôi với diện tích 3 ha mật độ thả 12 con/m2, dự kiến cho thu hoạch trên 1 tấn tôm thương phẩm, đây là vụ nuôi tôm thắng lợi nhất trong những năm gần đây của gia đình anh Lê Đình Thuận.
Nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm sú nói riêng đòi hỏi hiệu quả phải đi liền với bền vững. Nếu chỉ quan tâm năng suất, sản lượng mà không tính đến những tác động đến môi trường, thì hậu quả sẽ rất khó lường. Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm do Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai là hướng đi cần nhân rộng trong thời gian tới.