Thanh Hóa: Phát triển thủy sản theo hướng bền vững
Với bờ biển dài 102 km, 5 cửa sông lớn đổ ra biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), bởi vậy toàn tỉnh đang tập trung các giải pháp phát triển NTTS theo hướng bền vững.
Diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 19.000 ha; trong đó, 7.700 ha nước mặn, lợ, 11.300 ha nước ngọt và 1.500 lồng nuôi cá biển, tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương. Ðể phát triển nghề NTTS, tỉnh đang đầu tư xây dựng hạ tầng vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung) với mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng cho 250 ha đất NTTS của các xã Hà Đông, Hà Phong và Hà Ngọc với tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng NTTS tập trung xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Ngoài ra, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng NTTS ở các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Phong, Hoằng Châu, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương), với các hạng mục xây dựng, như: Trạm bơm cấp nước biển, công trình điện phục vụ trạm bơm, đường, cống, kênh cấp nước chính, ao trữ nước và đê bao đầm nuôi...
Để chủ động nguồn giống cho NTTS, hiện đại hóa khâu sản xuất giống, tỉnh đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản tại xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) với quy mô 8 ha. Trung bình mỗi năm trung tâm cung ứng cho thị trường 50 triệu giống tôm sú PL 15, 100 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 1 triệu giống cua xanh, 300 triệu giống ngao Bến Tre... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 44 trại giống nước ngọt hàng năm sản xuất 900 triệu cá bột các loại phục vụ NTTS. Công tác phòng trừ dịch bệnh trong NTTS được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường tập trung tại các địa phương trọng điểm. Thông qua kết quả giám sát, kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo đến người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Để NTTS trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 về việc phê duyệt tổng thể phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, trong đó NTTS phát triển toàn diện cả 3 loại hình, nước mặn, nước lợ và nước ngọt theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư phát triển 3 loại thủy sản chủ lực có lợi thế là tôm chân trắng, ngao Bến Tre và cá rô phi xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích NTTS đạt 24.000 ha, trong đó nước ngọt là 16.300 ha, mặn, lợ 7.700 ha với tổng sản lượng đạt 65.000 tấn.
Hiện các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” với mục tiêu chính, tăng năng suất sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất. Phát triển nhanh diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh, nâng cao năng suất tôm sú quảng canh cải tiến bằng các giải pháp công nghệ và giống. Trong NTTS nước ngọt tiếp tục khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS theo hướng phát triển mô hình trang trại kết hợp NTTS với chăn nuôi, trồng trọt. Tập trung hướng dẫn các vùng nuôi đã được đầu tư nâng cấp để nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh vào sản xuất 100% diện tích. Áp dụng thực hiện quy trình thực hành nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thực hiện đầy đủ các giải pháp về quản lý vùng nuôi, tổ chức sản xuất, hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật để hạn chế dịch bệnh. Tổ chức thu mẫu theo định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thuê đất để nuôi tôm chân trắng và sản xuất giống cá chép, cá rô phi đơn tính theo quy định của tỉnh.