Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sáu tháng đầu năm 2012 của cả nước ước đạt 13,6 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 7,7 tỷ USD, thủy sản đạt 2,9 tỷ USD, lâm sản đạt 2,3 tỷ USD
Tính chung trong sáu tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 5,7 tỷ USD. Toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động giải quyết các rào cản liên quan đến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, cho nên khối lượng xuất khẩu vẫn tăng khá.
Tuy nhiên, giá các loại nông sản lại liên tiếp "cài số lùi". Trong số các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu, duy nhất hạt tiêu vẫn giữ giá. Cao-su có mức giảm giá nhiều nhất, tới 31%. Nhất là mặt hàng gạo, giá giảm chưa từng có từ trước đến nay. Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lúa thấp hơn nhiều so năm 2011, khiến nhiều nông dân lao đao. Nguyên nhân là do xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, gạo trong nước phải cạnh tranh gay gắt với gạo của các nước Ấn Ðộ và Mi-an-ma. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm, thị trường tiêu thụ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, giá nông sản xuất khẩu vẫn có nguy cơ xuống thấp hơn nữa.
Ðể gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt con số 27 tỷ USD, thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần bám sát thị trường, thông tin sớm cho nông dân để điều chỉnh sản xuất phù hợp, cả về số lượng lẫn chủng loại, tránh tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ những mặt hàng nông sản chính. Ðiều chỉnh cơ cấu và quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp hạ giá thành sản phẩm để nông dân có lãi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực khai thác thị trường để tăng khối lượng xuất khẩu, bù lại sự sụt giảm về giá. Quan trọng nhất vẫn là tập trung đến chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đưa giá nông sản lên mức cao hơn (hiện nay giá các mặt hàng nông sản Việt Nam luôn thấp hơn so các nước khác và thường xuyên không ổn định).
Trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới đang bất ổn và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu khiến giá lương thực có thể tăng từ 10 đến 20%, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình và thu về kim ngạch xuất khẩu cao hơn. Vấn đề là phải tổ chức sản xuất một cách bài bản và không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường.