Theo thống kê của ISSF, hơn một nửa trữ lượng cá ngừ ở tình trạng tốt
Báo cáo mới nhất về tình trạng khai thác cá ngừ phát hành bởi Tổ chức Phát triển thủy sản bền vững quốc tế (ISSF) chỉ ra rằng trên toàn cầu, 57% trữ lượng cá ngừ đang ở mức độ phong phú, 17% bị khai thác quá mức và 26% ở mức độ trung bình.
Tài liệu này, có tên gọi Tình trạng Đánh bắt cá ngừ trên thế giới, tóm tắt và đánh giá tình trạng và quản lý của 23 trữ lượng cá ngừ thương mại chủ lực trên cơ sở các đánh giá khoa học gần đây nhất, cũng như các biện pháp quản lý được thông qua bởi các Tổ chức và Cơ quan Quản lý khai thác cá ngừ khu vực (RFMOs). Ngoài ra, nó còn xếp hạng vị trí và quản lý của các trữ lượng cá ngừ bằng cách sử dụng phương pháp thống nhất dựa trên ba yếu tố: Độ phong phú, Khai thác / Quản lý (tỉ lệ đánh bắt) và Tác động Môi trường (sản phẩm đánh bắt kèm).
Báo cáo cho thấy sản lượng khai thác tăng lên đều đặn cho đến đầu những năm 2000 và mặc dù chúng dường như đã ổn định kể từ đó, sản lượng hàng năm vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây.
Về khai thác, 65% trữ lượng đang có tỷ lệ đánh bắt thấp, 13% đang bị đánh bắt quá mức, và 22% có tỷ lệ đánh bắt cao đang được quản lý phù hợp.
Theo số liệu của ISSF, sản lượng cá ngừ vằn, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây xanh và cá ngừ vây vàng toàn cầu vào năm 2015 là 4,8 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2014.
Xếp loại theo loài, phần lớn là cá ngừ vằn (57%), tiếp đến là cá ngừ vây vàng (28%), cá ngừ mắt to (9%), cá ngừ vây dài (5%) và cá ngừ vây xanh (1%).
Về ngư cụ, 64% sản lượng khai thác được thực hiện bằng nghề lưới vây, tiếp đến là nghề câu vàng (12%), câu cần (9%), lưới rê (4%) và các ngư cụ khác (11%).
Báo cáo của ISSF cho biết, theo quan điểm tổng sản lượng khai thác, 78% sản lượng khai thác đến từ các trữ lượng dồi dào, do thực tế là trữ lượng cá ngừ vằn chiếm hơn một nửa lượng cá ngừ toàn cầu, và tất cả chúng đều trong tình trạng tốt.
Ngược lại, hai trữ lượng cá ngừ vây xanh, một trữ lượng cá ngừ vây vàng và một trữ lượng cá ngừ mắt to đang bị khai thác quá mức.
Báo cáo này được cập nhật vài lần mỗi năm, thường là sau khi một RFMO đánh giá các trữ lượng mà họ chịu trách nhiệm hoặc thông qua các khuyến nghị về quản lý.