TIN THỦY SẢN

Thị trường hải sản dần hồi phục

Cách đánh bắt được các doanh nghiệp và siêu thị thu mua hết, giúp ngư dân yên tâm bám biển Nhóm Phóng Viên

Vừa qua, sự cố sinh vật biển chết dọc ven biển miền Trung đã gây nhiều hệ lụy đến môi trường, tài nguyên, đời sống ngư dân, an toàn thực phẩm... Tình thế diễn biến bất ngờ, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ và nhiều giải pháp kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… đã nhanh chóng giúp ngư dân có thêm động lực, động viên nhau vươn khơi bám biển.

Minh bạch thông tin

Tại cảng cá Thuận An (Thừa Thiên - Huế) những ngày gần cuối tháng 5 này, tiếng máy xay đá lạnh giòn tan hòa cùng âm thanh chà rửa dụng cụ, dọn dẹp vệ sinh thuyền bè của ngư dân nên không khí nơi đây không còn ảm đạm như những ngày trung tuần tháng 4 - cao điểm cá chết dạt vào bờ. “Tàu về bến, cá bán hết. Ngư dân không còn lo chuyện tiêu thụ sản phẩm nữa, an tâm ra khơi rồi”, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, oang oang nói vọng dưới khoang tàu cá.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, cho biết với 55 tàu đánh bắt xa bờ và hàng trăm tàu thuyền nhỏ, Phú Thuận là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về sản lượng khai thác thủy sản trên biển. 100% hải sản ngư dân bắt được trong chuyến ra khơi những ngày vừa qua, khi cập bờ đều được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản xa bờ, nên đã được các siêu thị và doanh nghiệp thu mua hết. Trong đó, siêu thị Co.op Mart Huế là một trong những đơn vị thu mua nhiều nhất và khẳng định sẽ đồng hành lâu dài với ngư dân. Các tiểu thương bán lẻ tại địa phương cũng nhận giấy xác nhận để đưa hải sản đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Có sự hỗ trợ từ nhiều phía nên bà con ngư dân không còn bức bối chuyện bán cá nữa. Bây giờ họ đã an tâm trở lại chuyện ra khơi đánh bắt cho được thật nhiều tôm, cá.


Ngư dân khai thác hải sản gần bờ mong có chính sách hỗ trợ để đóng tàu lớn vươn khơi xa. Ảnh: MINH PHONG

Từ giữa tháng 5, cùng với việc cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xa bờ, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi hải trình đánh bắt cá của ngư dân bằng hệ thống định vị đấu nối với trạm ở bờ. Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, cho biết hệ thống kết nối định vị đã giúp các cơ quan chức năng theo dõi tàu của ngư dân bất cứ lúc nào, ở đâu. Từ đó, mới có xác nhận cuối cùng của cơ quan quản lý thị trường, sau đó cá được mở bán.
Chị Trần Thị Yến, chủ kinh doanh mực tươi và sứa biển tại TP Hà Tĩnh, cho biết: “Bán hải sản có giấy chứng nhận nguồn gốc nên được nhiều khách hàng yên tâm hơn. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, thị trường mua bán hải sản biển sẽ phát triển hơn”. Còn ngư dân Nguyễn Văn Đạo (chủ tàu 135CV đánh bắt xa bờ, ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), mong cơ quan chức năng tiếp tục triển khai rộng việc cấp nhãn mác chứng nhận hải sản an toàn, không chỉ đối với cá, tôm đánh bắt cách xa bờ ngoài 20 hải lý mà ngay cả hải sản khai thác gần bờ khi đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Nỗ lực khôi phục sản xuất

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng hỗ trợ khẩn cấp chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, quan trọng vẫn là giải pháp lâu dài để ngư dân khôi phục sản xuất. Hiện đơn vị đã hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển đổi sinh kế sản xuất cho người dân. Trong đó, tập trung vào 3 khu vực chịu ảnh hưởng nhiều do cá chết trên địa bàn các huyện Hải Dương, Thuận An và Lăng Cô. Mỗi địa phương lập phương án phù hợp với tình hình, đặc điểm của vùng đất, khí hậu thời tiết. Trên cơ sở đó sẽ thống nhất phương án chung để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khi thực hiện chuyển đổi phương án sản xuất. Giải pháp ưu tiên là phát triển nuôi cá nước ngọt, khi loài cá này đang có giá trị kinh tế cao và nhiều lợi thế khác.

Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) Đậu Minh Ngọc cho biết, giải pháp lâu dài với ngư dân các xã ven biển hiện được đề xuất là chuyển đổi từ nghề lộng gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Huyện đang ghi nhận nguyện vọng của ngư dân gửi tỉnh để trình Trung ương có nguồn tín dụng giúp các làng biển bãi ngang đóng thêm tàu lớn, thành lập các hợp tác xã kinh doanh thủy hải sản an toàn nhằm tạo được thị trường ổn định, củng cố sản xuất lâu dài, đủ sức ứng phó với các tình huống sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Ở Thừa Thiên - Huế, nhiều người cho rằng cần điều tra thêm và lập danh sách, đưa vào hỗ trợ những hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá, buôn bán hải sản ở các chợ ven biển để đồng hành cùng ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc hỗ trợ dựa trên quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, do vậy, đối tượng hỗ trợ phải là những người ở các vùng ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp, kể cả đánh bắt, nuôi trồng và hậu cần nghề cá. Đối với hộ gián tiếp sẽ có những hỗ trợ khác như vay vốn, ưu đãi lãi suất…

Hiện các địa phương ở 4 tỉnh trên cũng huy động các cơ quan đoàn thể vào cuộc giúp ngư dân. Những chính sách bền vững đang được bàn thảo và gấp rút triển khai, trong đó nguyện vọng chuyển đổi vùng lộng gần bờ sang vùng khơi đang được quan tâm thiết thực, vừa giúp ngư dân có sinh kế lâu dài vừa giúp ngư trường xa có thêm sức lực của con người góp phần bảo vệ biển, đảo.

Song song việc triển khai các giải pháp nhằm minh bạch thông tin về chuyến biển, hiện các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đều đang triển khai các điểm bán hải sản biển an toàn. Trong đó, Hà Tĩnh đã khai trương 27 điểm bán hải sản biển đảm bảo an toàn và dự kiến mở thêm 150 điểm khác. Các loại hải sản bày bán tại các địa điểm đều được giám sát chất lượng chặt chẽ, dán tem trên từng sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn. Ngoài ra, tất cả địa điểm bán hàng đều có hệ thống bảo quản tốt, niêm yết giá công khai… và được UBND tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/điểm kinh doanh hải sản an toàn. 

Nhóm Phóng Viên Sài Gòn Giải Phóng, 25/05/2016