Thiếu gỗ đóng tàu cá
Tình trạng thiếu gỗ dùng cho đóng mới tàu cá đã khiến cho nhiều ngư dân và chủ cơ sở đóng tàu vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh gặp khó.
Khan hiếm
Cơ sở đóng tàu vỏ gỗ của ông Đỗ Văn Thành (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) có 6 tàu cá đang được đóng mới, trong đó 4 chiếc của ngư dân Quảng Ngãi và 2 của ngư dân Quảng Nam. Các công đoạn hoàn thành con tàu diễn ra chậm chạp do thiếu nguồn nguyên liệu gỗ. Ngư dân Trần Thắng (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) đang đóng tàu ở đây cho biết, chủ tàu và các bạn biển rất mong mỏi con tàu được hoàn thành sớm để có thể ra khơi trong vụ sản xuất chính sắp đến thế nhưng tiến độ hiện quá chậm chạp. “Dự toán ban đầu để hoàn thành con tàu là 3,5 tỷ đồng nhưng riêng phần gỗ đã tăng thêm gần cả tỷ đồng.
Mình phải cân đối lại các khoản đầu tư khác cho con tàu để tránh thiếu hụt vốn. Cái lo lớn hơn là liệu có đủ gỗ chất lượng tốt để hoàn thiện con tàu có công suất máy hơn 800CV” - anh Thắng nói. Trong khi đó, ông Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, giá gỗ đã tăng gấp đôi vì khan hiếm. Thiếu gỗ đóng tàu, ông Thành đã phải lặn lội sang tận Lào, Campuchia để mua gỗ nhưng vẫn bế tắc. “Tôi sang Lào, thỏa thuận xong, mua gỗ với giá cao, xẻ xong, tưởng giải tỏa áp lực vậy mà nhầm lớn. Mình mua được gỗ nhưng bên Lào không cho chở gỗ qua biên giới để về Việt Nam. Phải rất khó khăn, thỏa thuận và chịu nhượng bộ nhiều khoản, phía bán gỗ cho mình mới chịu thu lại gỗ đã bán. Tốn công, tốn của mà đành thất bại” - ông Thành nói.
Thời điểm này, tại doanh nghiệp đóng tàu Hà Tiên Khôi (khối phố 7, phường An Phú, TP.Tam Kỳ), chỉ có duy nhất con tàu đang dần hoàn thành. Ông Trần Ngọc Hoàng - Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Rất may mắn là tôi đã lường trước sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn nguyên liệu gỗ đóng tàu. Tôi chỉ đủ gỗ sến mủ và chò, dẻ để lắp đặt xong cho con tàu này. Đây cũng có thể là con tàu lớn cuối cùng tôi đóng được”. Hiện tại, ông Hoàng đã chuyển sang đóng ghe, thuyền cỡ nhỏ, chủ yếu bằng thiếc, thép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến cuối tháng 7.2016, giá gỗ sến mủ dùng để làm be tàu đã tăng giá từ 13 triệu đồng/m3 lên 26 triệu đồng/m3. Qua tháng 8 này, gỗ sến mủ khan hiếm đến mức nhiều chủ cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh săn lùng hết cách vẫn không thể mua được. Hiện tại, các loại gỗ như chò, dẻ cũng thiếu nghiêm trọng, tăng giá từ 3 triệu/m3 lên 10 triệu/m3. Mỗi con tàu thông thường cần đến 50 khối gỗ be, khoảng 100 khối gỗ khung xương và hàng chục khối gỗ nhỏ hoàn thiện nên chi phí đóng tàu tăng thêm đáng kể.
Lo ngại chất lượng gỗ
Hầu hết tàu vỏ gỗ đang được ngư dân đóng mới trên địa bàn tỉnh nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương (Nghị định 89 về một số chính sách phát triển thủy sản) và của tỉnh (Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam). Yêu cầu về chất lượng được đặt ra với những con tàu này là rất lớn. Ông Trần Ngọc Hoàng cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, có một số ngư dân tìm đến đóng tàu nhưng ông không nhận vì sợ không đảm bảo chất lượng thân tàu. “Con tàu vỏ gỗ có 2 phần quan trọng nhất là long cốt và be tàu. Trước đây, 2 phần này đều phải bắt buộc dùng loại gỗ thật quý, hiếm vì đảm bảo chất lượng và đáp ứng tín ngưỡng của ngư dân. Thời điểm này, cả kiền kiền, sến mủ, trâm, sao cát… có nguồn gốc từ Việt Nam hay Lào, Campuchia đều không thể mua được nên dù rất muốn đóng tàu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhưng tôi không thể” - ông Hoàng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trên thị trường gỗ không thiếu các loại kiền kiền, sến mủ, trâm, sao cát hay dẻ nhưng tất cả đều được nhập khẩu về Việt Nam từ Indonesia, Malaysia. Giá các loại gỗ này thấp hơn rất nhiều so với gỗ cùng loại có xuất xứ từ Việt Nam hay Lào, Campuchia. Vấn đề là chất lượng các loại gỗ này không bằng. Một số ngư dân và chủ cơ sở đóng tàu cho rằng, nếu đóng tàu bằng gỗ kiền kiền, sến mủ từ 3 nước Đông Dương thì đến hơn 10 năm sau vẫn chưa bị bào mòn, trong khi đó tàu cá được hoàn thành với gỗ cùng loại xuất xứ từ Indonesia hay Malaysia thì chỉ 5 năm sau là phải sửa chữa lại.
Ông Đỗ Văn Thành cho rằng, do các loại gỗ quý ở Việt Nam hay Lào trên thị trường rất hiếm nên bắt buộc phải dùng gỗ cùng loại có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia. Để thực hiện điều đó, chủ cơ sở đóng tàu và chủ tàu thương thảo, thỏa thuận trở lại về giá cả theo hướng giảm xuống. Theo ông Thành, chất lượng các loại gỗ mặc dù có chênh nhau nhưng không nhiều nên có thể chấp nhận được. Hiện tại, nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trước tình trạng thiếu gỗ chất lượng tốt, ngành thủy sản Quảng Nam tuyên truyền, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép thay cho tàu vỏ gỗ như một giải pháp xử lý tình thế. Một số cơ sở đóng tàu vỏ gỗ cũng đang sử dụng một cách xử lý tình thế khác trong điều kiện thiếu gỗ là ghép các khối gỗ ngắn lại với nhau để đóng tàu, nhất là ở 2 bộ phận quan trọng là long cốt và be tàu. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ khiến cho chất lượng con tàu giảm xuống, sức chịu đựng trước sóng, gió đại dương không cao.