Thiếu vốn triển khai các công trình tránh bão cho tàu thuyền
Những năm qua, Bình Thuận đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhiều công trình thủy lợi, giao thông mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay một số công trình liên quan đến đê, kè, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền chưa được triển khai gây bức xúc mỗi khi thời tiết bất thường.
Chưa có khu tránh bão, tàu cá các tỉnh vào Cảng Phú Quý trú ẩn càng gia tăng nguy cơ thiệt hại khi có bão.
Toàn tỉnh có 192km chiều dài bờ biển, có đảo Phú Quý cách đất liền 120km. Những năm gần đây, diễn biến thời tiết phức tạp, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông, bờ biển với quy mô ngày càng lớn. Cơn bão số 1 (bão Pakhar) xảy ra cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, có 9 tàu, thuyền bị hư hỏng và chìm do không có nơi neo đậu. Trước đó vào tháng 12/2006, do không có khu neo đậu, 350 tàu thuyền lớn nhỏ của huyện Phú Quý bị chìm khi bão Durian đổ bộ vào… Riêng sạt lở bờ biển, bão số 1 vừa qua đã làm sạt lở hơn 3 km bờ biển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư. Đồng thời hàng năm, nhất là gió mùa đông bắc, ven biển cũng thường xuyên xảy ra sạt lở nhất là khu vực phường Đức Long (Phan Thiết), Tuy Phong, La Gi, Phú Quý…
Để giải quyết những bức xúc trên, cũng như xuất phát từ đặc điểm tự nhiên và hoạt động nghề cá của tỉnh, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 12 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Từ nhiều năm nay, các địa phương đang triển khai thi công 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Liên Hương, Phan Rí Cửa và Phú Hài. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ đầu tư các khu neo đậu, tránh trú bão quá chậm, gây bức xúc mỗi khi thời tiết bất thường cũng như mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Nguyên nhân do vốn Trung ương hỗ trợ quá ít, thậm chí có năm không bố trí vốn. Trong khi toàn tỉnh có 8.500 tàu cá và khoảng 2.000 tàu cá các tỉnh bạn đánh bắt trên ngư trường chưa có nơi neo đậu an toàn. Nhiều dự án cấp bách đang thi công và đầu tư dở dang do thiếu vốn như: kè Đức Long, kè Liên Hương, kè Bình Thạnh, kè Phan Rí, kè Phước Lộc, kè bờ biển đảo Phú Quý…
Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh đã kiến nghị với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cần tăng cường nguồn vốn đầu tư các khu tránh trú bão, đê, kè, cũng như xem xét cơ chế phân bổ, tăng mức hỗ trợ để địa phương hoàn thành các công trình dở dang. Trong đó các công trình bức xúc cần sớm triển khai hoàn thành, bao gồm khu tránh bão Phú Quý, Mũi Né, Chí Công và một số công trình kè biển chống xâm thực, giúp ngư dân chủ động trước biến đổi bất thường của khí hậu ngày càng gia tăng.