TIN THỦY SẢN

Thơm ngon đặc sản mắm cáy

Mắm cáy là món dân dã lâu đời của người dân Quảng Phúc. Ngọc Huấn - Hoàng Đông

Với kinh nghiệm bao đời nay, người dân Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa làm ra đặc sản mắm cáy vẫn giữ được nguyên hương vị, độ ngọt, thơm của cáy, độ sánh và màu sắc đẹp của mắm. Từ món ăn dân dã, mắm cáy Quảng Phúc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021.


Xã Quảng Phúc là vùng quê chiêm trũng gắn liền với nghề sản xuất nông nghiệp, với 367,85ha diện tích đất cói, đây là môi trường thuận lợi cho con cáy sinh trường và phát triển.


Theo người dân nơi đây, cáy thuộc họ cua đất, được sản sinh từ lòng đất trên cơ sở môi trường chất đất, nguồn nước phù hợp. Mùa cáy thường bắt đầu từ tháng 2 đến đầu tháng 10 dương lịch. Nhiều đời nay, bà con đã đánh bắt cáy để chế biến nhiều món ăn dân dã. Những năm gần đây, không chỉ phục vụ trong đời sống gia đình, con cáy và sản phẩm máy cáy còn được người dân xã Quảng Phúc sản xuất với số lượng lớn, bán cho nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước.


Thịt cáy ngọt và có tính lành, không gây dị ứng đối với những người mẫn cảm với hải sản. Với ưu điểm như vậy, người dân đã chế biến rất nhiều món ăn từ cáy, tiêu biểu là món canh cáy, cáy rang muối, cáy rang me, cáy kho lá chanh… Đặc biệt người dân trong xã đã dùng con cáy để chế biến thành món mắm cáy để chấm các món rau, củ, quả, thịt luộc và làm nước chấm bún, nem rán…


Để làm món mắm cáy ngon, chất lượng, người làm mắm phải thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Con cáy chọn làm mắm phải to, đang còn tươi sống, bóc yếm, rửa sạch, để ráo nước và trộn với muối theo tỷ lệ phù hợp và công đoạn ủ mắm cũng phải đúng nhiệt độ, thời gian thì mắm cáy mới giữ được vị thơm mát, ngọt nhẹ và màu sắc.


Nguyên liệu làm mắm cáy là cáy nguyên con và muối biển, được ủ trong chum, vại bằng sành, không sử dụng chất tạo màu hay các chất phụ gia khác nên luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho người tiêu dùng.


Những năm trước đây, người dân trong xã chỉ biết dùng con cáy và mắm cáy để phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình với hình thức tự cung tự cấp. Những năm gần đây, sản phẩm mắm cáy Quảng Phúc đã được bán ở nhiều tỉnh thành trên cả nước với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.


Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (HTX Quảng Phúc) giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân trong xã.


Trong những năm qua, mắm cáy Quảng Phúc đã được sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường và được nhiều khách hàng tin tưởng, ưa chuộng. Đặc biệt, trong 2 năm 2019-2020, HTX Quảng Phúc bán ra ngoài thị trường 35.000 lít, bình quân giá bán 180.000 đồng/lít, tổng giá trị ước tính hơn 6,3 tỷ đồng.


Mắm cáy Quảng Phúc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đợt 3 năm 2021.


Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết: Với mục tiêu phát triển sản phẩm mắm cáy, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã định hướng mục tiêu phát triển của HTX Quảng Phúc là đưa các loại máy móc kỹ thuật vào phục vụ quá trình bảo quản, chế biến, sản xuất. Mở rộng thêm quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để tạo ra những mặt hàng đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.


“Phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh mắm cáy hàng đầu tại Thanh Hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hợp tác xã thực hiện kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh tái đầu tư vào dây truyền sản xuất, mở rộng quy mô. Đặc biệt phát triển bền vững vùng nguyên liệu cáy, nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng tại chỗ đảo bảo cho việc làm mắm cáy, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương nâng cao thu nhập, góp phần vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao…”, ông Bùi Ngọc Tam cho biết thêm.

Ngọc Huấn - Hoàng Đông Báo Thanh Hóa