TIN THỦY SẢN

Thu "phí" vào bãi sò tự nhiên trái phép

Người dân nghèo muốn khai thác được nguồn lợi ven biển cũng phải biết điều Trần Hiếu

Theo phản ảnh của người dân địa phương, muốn vào bãi sò, dân nghèo phải đóng tiền cho một số đối tượng mới được phép khai thác.

Thời gian gần đây, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện bãi sò thịt tự nhiên, với sản lượng tương đối lớn, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập bạc triệu mỗi ngày.

Khoảng 10 ngày nay, người dân xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi rất phấn khởi vì trên sông Đầm Chim xuất hiện bãi sò lớn ngay trước trụ sở Đồn Biên phòng Tân Tiến. Nhiều phương tiện khai thác một đêm có nguồn thu từ 5 đến 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân địa phương, không phải ai cũng có thể tự do khai thác. Sau khi phát hiện bãi sò, đồn biên phòng địa phương đã ra tay quản lý, mỗi phương tiện muốn vào khai thác đều phải làm thủ tục. Theo đó, mỗi phương tiện vào bãi cào sò đều phải chi cho biên phòng 3 triệu đồng.

Sau khi vụ việc trên xảy ra, Thanh tra Sở NN-PTNT đã vào cuộc xác minh. Theo báo cáo của đơn vị này, kích thước và trọng lượng sò tại sông Đầm Chim đủ tiêu chuẩn được phép khai thác.

Thanh tra Sở đã đề xuất ban giám đốc Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh Cà Mau cho phép người dân khai thác theo các quy định hiện hành.

“Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, người dân không cần làm thủ tục nữa, vẫn có thể thoải mái khai thác”, anh Sáng, người dân xã Tân Tiến cho biết.

Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển, với hàng chục cửa biển lớn nhỏ. Theo tập quán sinh trưởng, hàng năm sò tập trung thành bãi tại một số cửa biển với số lượng khá lớn. Tuy nhiên, nguồn lợi tự nhiên này người dân muốn khai thác không phải dễ.

Đầu tháng 12 này, tại cửa biển Cái Đôi Vàm, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, khi người dân khai thác nguồn lợi cá kèo giống ven biển, đi vào địa phận bãi sò của một số đối tượng, được cho là có phép nuôi tại đây thì giữa người bảo vệ bãi sò và người khai thác cá kèo giống đã xảy ra xô sát.

Ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm xác nhận thông tin trên, và cho biết cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. Cũng từ vụ việc trên, người dân nơi đây phát hiện có bãi sò tại cửa biển Cái Đôi Vàm, một số hộ Khmer nghèo đã ra khai thác.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Em, ngụ tại địa phương này cho biết, các đối tượng quản lý bãi sò nói, họ được phép nuôi nên không cho ai khai thác. Ai muốn vào khai thác thì sẽ bị bắt và phạt tiền.

Tùy theo phương tiện, mới hay cũ có người bị phạt lên tới 5 – 7 triệu đồng. Còn ai muốn khai thác thì phải đóng tiền cho các đối tượng quản lý bãi.

“Các đối tượng được cho là quản lý bãi cũng mới phát hiện nơi đây có sò và mang cờ ra cắm, nhưng họ lại cấm chúng tôi khai thác, bắt chúng tôi đóng tiền”, anh Tuấn Em bức xúc.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Den, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Tân cho biết, Sở NN-PTNT Cà Mau đã chấp thuận tờ trình của huyện Phú Tân cho nuôi sò từ cửa biển Cái Đôi Vàm đến cửa Sào Lưới.

Huyện giao cho đồn biên phòng nuôi sò ở địa điểm trên để tạo sinh kế cho người nghèo, đến nay đồn biên phòng chưa triển khai nuôi.

Từ đó, dư luận địa phương đặt câu hỏi, đồn biên phòng chưa thực hiện, vậy không biết ai cấp phép cho những người này cắm bãi và có quyền thu tiền, lại còn được quyền phạt dân nghèo?

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau xác nhận có sự việc trên xuất hiện ở bãi sò xã Tân Tiến và cho biết đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản điều tra làm rõ.

Ông Sử cũng xác nhận đã cho phép huyện Phú Tân nuôi sò từ cửa Cái Đôi Vàm đến cửa Sào Lưới. “Còn vụ việc nêu trên, chúng tôi sẽ chỉ đạo xác minh vụ việc và cung cấp thông tin sau”, ông Sử nói.

Trần Hiếu Báo Nông nghiệp VN, 16/12/2015