Thu tiền tỷ từ nuôi cá dìa
Gần 25 năm trong nghề nuôi tôm nhưng chỉ đến khi chuyển hướng sang nuôi cá dìa một cách chuyên nghiệp, ông Hồ Văn Hổ (54 tuổi, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) mới có nguồn thu nhập ổn định với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Gắn bó với nghề nuôi tôm từ năm 1997, thời gian đầu, việc nuôi tôm mang lại cho ông Hổ thu nhập khá, nhưng càng về sau nuôi tôm càng lỗ. Có thời điểm 3 năm liên tiếp, tôm chết hàng loạt khiến ông Hổ lỗ khoảng 1,5-2 tỷ đồng. “Thời điểm đó nản lắm nhưng đã quyết định gắn bó với nghề nông nên tôi cố gắng xoay xở để trả nợ và tìm hiểu mô hình nuôi, cấy khác”, ông Hổ chia sẻ.
Mô hình nuôi cá dìa của ông Hồ Văn Hổ không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Mai Quế
Sau thất bại với việc nuôi tôm, ông cất công đi tìm hiểu và thấy tâm đắc nhất với mô hình nuôi cá dìa giống và cá dìa thương phẩm tại các trang trại ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Vậy là ông quyết định cải tạo 6 hồ, tương ứng 3,4 ha mặt nước nuôi tôm trước đó để chuyển hướng sang nuôi cá dìa. Ngoài số vốn 1,5 tỷ đồng để mua cá giống, ông đầu tư thêm hệ thống chống lũ trị giá gần 1 tỷ đồng cho 6 hồ. Cá dìa được chia làm 2 loại: cá dìa thương phẩm với tổng thời gian sinh trưởng khoảng 8-9 tháng và cá dìa giống sau 6 tháng ươm nuôi có thể xuất bán, mỗi con cá dìa giống nặng 60-80g/con. Vì cá dìa hoàn toàn chưa được nuôi lấy giống, chủ yếu là từ ngoài biển dạt vào được nông dân ở các vùng biển Hội An (Quảng Nam) thu gom nên giá cá giống cũng biến động theo thời tiết. Như năm 2020, do số lượng ít nên giá cá giống lên tới 16.000 đồng/con. Còn tại thời điểm này, cá giống chỉ có giá 9.000 đồng/con, cá dìa thương phẩm có giá trung bình 160.000-200.000 đồng/kg.
Năm đầu nuôi cá dìa, ông Hổ đầu tư mua hơn 30.000 con cá giống và xuất bán được 9 tấn cá. Cứ 1 tấn cá xuất bán cho thu về 160-190 triệu đồng, nếu xuất bán vào thời điểm trước Tết (tháng 12 âm lịch) thì giá 180-190 triệu đồng/tấn cá; còn nếu xuất bán vào thời điểm tháng 3, 4 âm lịch là mùa cá dìa xuất hiện nhiều thì giá 160-170 triệu đồng/tấn. Từ sự thành công bước đầu này, ông Hổ chủ động mở rộng quy mô nuôi và sang năm 2021 này là 150.000 con giống. Với số cá giống này, dự kiến sẽ cho sản lượng khoảng 20 tấan cá dìa trong năm nay.
Theo tìm hiểu, điều kiện tự nhiên tại vùng đất ven sông Cu Đê (đoạn qua xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) rất thuận lợi cho cá dìa phát triển với độ mặn phù hợp. Bởi vốn dĩ loài cá này ít bị dịch bệnh trong quá trình sinh trưởng, tỷ lệ sống cao. Chỉ cần bảo đảm nguồn nước sạch, cung cấp thức ăn đủ dinh dưỡng là cá dìa lớn nhanh và khỏe mạnh. Để làm điều này, người nuôi cá phải thường xuyên vệ sinh, đưa men vi sinh xuống hồ. Ngoài ra, ông Hổ cũng nuôi thâm canh thêm 10.000 con tôm ở dưới đáy các hồ với mục đích ngoài việc đưa lại giá trị kinh tế thêm thì chất thải của cá cũng là nguồn thức ăn của tôm. Việc này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa làm sạch hồ.
Gần 3 năm nuôi cá dìa đã mang lại thu nhập tương đối ổn định cho ông Hổ và các nhân công. Năm đầu tiên ông xuất bán được 9 tấn cá với mức doanh thu 1,6 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù tăng sản lượng cá, nhưng trước ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là mưa, bão vào tháng 10, 11 vừa qua khiến chất lượng con giống bị giảm sút, chỉ đạt 30% (tỷ lệ số cá dìa giống đạt chất lượng tốt trong một năm thường ở mức 50%). May mắn là với tỷ lệ con giống đạt ở mức 30%, ông Hổ vẫn có lãi bằng năm trước. Với quy mô nuôi cá dìa lớn, ông Hổ tạo việc làm ổn định cho 3 lao động trong gia đình, 6 nhân công được bao ăn ở với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện cá dìa giống và cá dìa thương phẩm của ông Hổ đang cung cấp cho các tỉnh, thành phố ở miền Trung-Tây Nguyên, nhưng hầu như không đủ để xuất bán.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Ngô Quốc Dũng, mô hình nuôi cá dìa của ông Hồ Văn Hổ là một trong những mô hình kinh tế điển hình của xã Hòa Liên, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con.