TIN THỦY SẢN

Thừa Thiên Huế cá lại chết trắng lồng

Thức ăn và phân cá với số lượng lớn gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi cá lồng trên sông Bồ.

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có mặt tại sông Bồ để điều tra, làm rõ nguyên nhân cá nuôi bị chết hàng loạt.

Sáng 10-7, chúng tôi có mặt tại khu vực nuôi cá trên sông Bồ và chứng kiến nhiều lồng nuôi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường (chủ yếu cá trắm cỏ), số còn lại lờ đờ trên mặt nước. Những chủ hộ nuôi cá lập tức vớt cá chết ra khỏi lồng, rồi dùng các dụng cụ để tạo oxy trong các lồng cá với hi vọng sẽ cứu được số cá còn lại. Bên cạnh đó, một số loài cá nhỏ và tôm tự nhiên trên sông Bồ cũng chết nổi xung quanh các lồng cá.


Cá chết nổi đầy lồng nuôi trên sông Bồ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (trú phường Hương Xuân, thị xã Hương trà) nuôi 2 lồng cá bị chết cho biết: “Cá nuôi được gần 10 tháng bỗng nhiên lúc ra phát hiện cá chết hơn 30 con khoảng 5–6kg. Tôi cùng 3 người trong nhà ra bớt lên đem đi bán để cứu vãn được ít nào hay ít đó”. Còn anh Dương Đức Huân cũng nuôi cá lồng bị chết gần nhà chị Hà nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến cá chết là do thủy điện Hương Điền không xả nước trong mấy ngày qua khiến cho cá thiếu oxy và chết”.


Cá chết nhiều, mọi người cùng vớt bán với giá 10.000 đồng/kg (bình thường 70.000 đồng/kg) nhưng rất ít người mua.

Dọc theo sông Bồ về phía hạ lưu thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Ông Huỳnh Hưng Lớn (thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ) cho hay, cá chết nhiều, mọi người cùng vớt bán với giá 10.000 đồng/kg (bình thường 70.000 đồng/kg) nhưng rất ít người mua.

Nhận được thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có mặt tại sông Bồ để điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân thông tin, trên địa bàn phường có khoảng 200 hộ nuôi cá trên sông Bồ với khoảng 400 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ.

Đến sáng 10-7, ghi nhận có khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng, số cá chết ban đầu theo thống kê trên 1.000 con. Việc cá chết với số lượng lớn (khoảng 3,5 tấn) khiến giá cá rớt giá nghiêm trọng. Còn ông Trần Văn Hải, Cán bộ phòng Kinh tế thị xã Hương trà khẳng định, nguyên nhân ban đầu cá chết là do thiếu oxy chứ không phải dịch bệnh.


Mật độ các lồng nuôi cá trên sông bồ quá dày dẫn đến tình trạng thiếu oxy.

Theo ghi nhận, trước đó vào khoảng tháng 4-2017 tình trạng cá nuôi bằng lồng cũng chết hàng loạt trên đoạn sông này. Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan liên quan đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân khiến cá chết là do môi trường sống của cá không đảm bảo vì dòng nước không lưu thông khiến lượng oxy trong nước giảm mạnh. Mật độ cá nuôi trong lồng quá dày và khoảng cách giữa các lồng nuôi cũng không đảm bảo theo quy chuẩn.

Cùng với đó, chính quyền địa phương đã liên hệ với đại diện của thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) đề nghị tăng cường thời gian cũng như tốc độ xả nước từ thủy điện này về hạ lưu thì cá bớt chết.

Báo SGGP