Thủy sản cuối năm: DN khó khăn, nông dân đuối sức
Thông thường những tháng cuối năm, nhất là mùa Giáng sinh, Tết dương lịch là dịp tốt cho con cá tra đi vào thị trường xuất khẩu. Nhưng năm nay lại đảo ngược hoàn toàn. DN thua lỗ đóng cửa nhà máy, hoặc SX cầm chừng, còn người nuôi cá vẫn tiếp tục thua lỗ và cầm cự.
Lại lỗ
Thông tin của "giới thủy sản" cho biết, cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến và XK có thể khan hiếm từ nay đến cuối năm. Thậm chí đến hết quí I năm tới may ra mới có được tín hiệu tốt, kích thích người nuôi quay trở lại nghề. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều nhà chuyên môn, cũng không nên ồ ạt nuôi lại trong lúc này.
Hiện nay, giá cá tra loại 1 (từ 800 gram đến dưới 1 kg/con) đang dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Trong khi giá thành SX ngày càng cao do giá thức ăn thủy sản liên tục tăng, làm cho người nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ đậm.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Tháp, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh đạt gần 1.680 ha, đã thu hoạch được 902 ha với sản lượng trên 331.790 tấn. Như vậy, căn cứ vào diện tích đã thu hoạch so với diện tích thả nuôi thì Đồng Tháp còn khoảng 780 ha chưa thu hoạch, một con số rất lớn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra ở Thới An (Cần Thơ) cho biết: “Vào thời điểm này năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.000 đồng/kg. Trong khi năm nay, dù mấy ngày qua giá cá có tăng thêm 1.500 - 2.500 đồng/kg tùy loại, nhưng cũng chỉ dao động ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg”.
Với mức giá này người nuôi vẫn lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cả năm bán cá cứ lỗ như vậy đã gần như triệt tiêu những hộ nuôi nhỏ lẻ. Giờ chỉ còn những hộ nuôi gia công cho DN mà năm nay DN cũng chết, nông dân chúng tôi cũng chết theo”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên có ao cá tra rộng 6.000 m2 tại huyện Châu Phú (An Giang) cũng hết sức chán nản khi cả năm trông chờ vào vụ cuối năm để mong gỡ gạc lại chút đỉnh phần lỗ thê thảm trong 10 tháng qua, nhưng giá cá thời điểm này vẫn tăng không đáng kể. Với giá bán 23.000 đồng/kg như hiện nay, 200 tấn cá chuẩn bị thu hoạch của nhà tôi sẽ bị lỗ 200 triệu đồng”.
Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết: “Giá thức ăn thủy sản tăng thêm 300 đồng/kg điều đó đã và sẽ tiếp tục đẩy giá thành SX tăng lên, trong khi thị trường xuất khẩu cá tra chưa hồi phục, giá cá tra nguyên liệu khó có thể tăng cao. Vì vậy, những hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tái SX. Do đó, nguồn nguyên liệu cho năm 2013 sẽ tiếp tục thiếu”.
Sản xuất cầm chừng
Ông Nguyễn Văn Kịch, TGĐ Cty Cafatex (Hậu Giang) cho biết: “Giá cá nguyên liệu từ nay đến cuối năm sẽ khó có thể tăng thêm do các hợp đồng xuất khẩu dịp lễ, Tết mà các DN đã ký kết hết. Bây giờ DN chỉ lo làm hàng giao cho đối tác thôi, chứ hy vọng ký thêm hợp đồng mới để giá cá có thể đẩy lên thêm là không thể, bởi do thị trường đang khá trầm lắng”.
Còn ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP và là Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần thủy sản Hùng Vương cho biết: “Nhiều Cty xuất khẩu cá tra phải đóng cửa vào dịp cuối năm cũng là một điều buồn cho ngành thủy sản VN. Kể cả Cty Hùng Vương cũng phải giảm công suất do thiếu cá đạt kích cỡ chế biến xuất khẩu. Đó là chưa kể đến khó khăn khác. Tuy chỉ ngưng cục bộ trong thời gian ngắn khoảng một tháng, nhưng Cty Hùng Vương có khoảng hơn 9.000 công nhân làm việc trong nhà máy phải trả lương! Trước tình hình khó khăn để níu chân công nhân, chúng tôi vẫn duy trì SX trong nhà máy khoảng 50% trên tổng công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày”.
Theo VASEP, những tháng cuối năm 2012, nhà máy nào có khả năng nuôi cá thì duy trì chính sách trả 70% lương cơ bản để giữ công nhân, số khác phải ngưng hoạt động, người lao động nghỉ... dài hơi. Nhà máy đói nguyên liệu ngay trong thời điểm thị trường xuất khẩu cá tra đang ấm dần lại, còn công nhân cũng rất cần việc để có thêm thu nhập trang trải cuối năm, là một bất lợi lớn đối với ngành cá tra.
Hậu quả này được dự báo từ cách nay nửa năm, VASEP nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách chỉ đạo ngân hàng giải ngân vốn, nhưng rốt cục tiền giải cứu vẫn chưa thấy đâu”.
Hiện nay để đánh giá được tình hình nuôi cá rất khó, cần phải khảo sát, phân tích kỹ mới có được đánh giá chính xác hơn. Vì một số thông tin nói rằng cá nguyên liệu sắp hết; nhưng cũng có một số thông tin cho biết cá vẫn còn. Có ý kiến cho rằng, phần lớn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay là do DN tự nuôi.
Nhưng một số DN đang thiếu vốn nên khó khăn. Do vậy, cá nguyên liệu hết có thể có, nhưng đó là cá do chính DN nuôi thôi; còn cá trong dân vẫn có thể còn nhiều. Nói chung, không chỉ phía DN đang gặp khó khăn mà nông dân cũng đang giảm nuôi do thắt chặt tín dụng.