Thủy sản Hùng Vương: Chờ phép màu
Mở rộng quy mô và lĩnh vực đầu tư, song lợi nhuận của Thủy sản Hùng Vương lại đang có xu hướng suy giảm. Vì sao?
Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (mã CK: HVG) kết thúc quý III/2015 với mức doanh thu 5.855 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và là con số cao nhất từ trước đến nay. Số liệu này cho thấy rằng, sau chiến lược M&A, cả quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng của Hùng Vương đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hàng loạt sức ép về chi phí, khó khăn thị trường lẫn gánh nặng nợ đầu tư đã kéo lợi nhuận của công ty này đi xuống…
Hụt hơi hiện tại…
Theo báo cáo tài chính của HVG, lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của công ty đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ và gần bằng mục tiêu đề ra trong năm 2015 là 14.000 tỷ đồng (Hùng Vương thay đổi niên độ kế toán tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2015). Tuy nhiên, sự tăng trưởng về mặt doanh thu không đồng nghĩa lợi nhuận tăng tương ứng. Mặc dù cơ cấu doanh thu cho thấy, chiến lược chuyển hướng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Hùng Vương đang đi đúng hướng khi doanh thu từ nguyên liệu và thành phẩm thức ăn chăn nuôi với giá trị 7.300 tỷ đồng đã chiếm hơn một nửa doanh thu lũy kế 9 tháng. Cơ cấu doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt hơn 3.800 tỷ đồng cũng đóng góp 30% trong doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2015.
Mặc dù vậy, hàng loạt sức ép về chi phí, khó khăn thị trường cộng với gánh nặng nợ đầu tư đã kéo lợi nhuận Hùng Vương đi xuống. Doanh thu quý III/2015 rất ấn tượng, nhưng lãi ròng lại gây thất vọng khi chỉ đạt chưa đầy 50 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2014 là 199 tỷ đồng. Kéo theo đó, lũy kế lãi ròng 9 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 64 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với cùng kỳ năm trước là 344 tỷ đồng, giảm tới 81,3%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự hụt hơi của lợi nhuận là do giá vốn hàng bán của Hùng Vương tăng nhanh không thua gì tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tổng doanh thu 9 tháng của công ty là 13.015 tỷ đồng thì giá vốn hàng bán đã là 11.975 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp chỉ còn 929 tỷ đồng.
Mặc dù mảng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu tốt, nhưng Hùng Vương đang chịu sức ép lớn từ Mỹ khi thị trường này áp dụng thuế chống phá giá. Giá bán cá tra tại thị trường Mỹ không đổi, nhưng phải gánh thêm các khoản thuế gia tăng nên đã kéo biên lợi nhuận của mảng này suy giảm. Tại AGF, công ty con của Hùng Vương, chuyên xuất khẩu cá tra mà thị trường chủ yếu là Mỹ, do biên lợi nhuận suy giảm, trong khi lãi ròng quý I là 2,7 tỷ đồng, quý II là 6,8 tỷ đồng thì quý III phải gánh khoản lỗ gần 5 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính, vốn đóng góp rất lớn vào lãi ròng cho Hùng Vương năm 2014 đã suy giảm đáng kể, năm nay chỉ còn 33 tỷ đồng so với 210 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản chi phí bán hàng và chi phí lãi vay cũng tăng mạnh lần lượt là 409 tỷ đồng và 230 tỷ đồng đã “ăn” đáng kể vào lợi nhuận.
Tất nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh một phần là do Hùng Vương đẩy mạnh đầu tư, mở rộng xây dựng nhiều dự án mới, mà gần đây nhất là đầu tư vào mảng chăn nuôi với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng. Hùng Vương cũng có gánh nặng nợ vay khá lớn, đặc biệt các khoản nợ vay ngắn hạn ngày càng phình to. Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã vay thêm gần 4.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ vay ngắn hạn lên hơn 11.000 tỷ đồng. Bán được hàng nhưng HVG lại vất vả trong việc… thu tiền, khi khoản phải thu của khách hàng lên đến 5.310 tỷ đồng. Điều này khiến Hùng Vương mất nhiều chi phí cơ hội đầu tư, do nguồn tiền mặt bị khách hàng chiếm giữ khiến công ty phải vay vốn để đầu tư và gánh chịu lãi vay. Ngoài ra, hàng tồn kho của Hùng Vương cũng lên tới gần 5.000 tỷ đồng (tính đến 30/9/2015)…
Tươi sáng tương lai?
Mặc dù gặp nhiều khó khăn hiện tại, nhưng các nhà phân tích cho rằng, tương lai của doanh nghiệp này có nhiều điểm sáng. Nếu như kinh doanh cá tra đang gặp khó thì việc thâu tóm được Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) – một doanh nghiệp hàng đầu về tôm đang ăn nên làm ra – đã đem lại nhiều lợi ích lớn trong việc hợp nhất lợi nhuận. Lãi ròng quý III/2015 của FMC đạt gần 45 tỷ đồng, mức tăng rất cao so với các quý trước (chỉ dao động quanh con số 10 tỷ đồng). FMC cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 110 tỷ đồng. Sự tự tin của FMC có cơ sở là các ưu đãi thuế quan bắt đầu có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các hiệp định FTA như: Liên minh Hải quan giữa Việt Nam với EU và Việt Nam với Nga -Belarus -Kazakhstan cũng sẽ tác động tích cực đến sản lượng xuất khẩu của cá tra Việt Nam. Thị trường Nga vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Hùng Vương trong thời gian gần đây, chiếm 9% doanh thu xuất khẩu trong năm 2014, tương đương 19,7 triệu USD, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ. Hùng Vương đã đầu tư nhà máy sản xuất cá tra ngay tại Nga nhằm gia tăng biên lợi nhuận, do tiết giảm được nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, Hùng Vương cũng hoàn tất đầu tư xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Sa Đéc và Bến Tre, 2 nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng và 1 kho lạnh tại Bạc Liêu. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng, các dự án này khi hoàn thành sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực và chủ động sản xuất, nhất là từ năm 2016 trở đi.
Lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 của Thủy sản Hùng Vương là 929 tỷ đồng
Theo Công ty chứng khoán Maybank Kimeng, các dự án đầu tư mới sẽ nâng cao khả năng chủ động sản xuất cho doanh nghiệp, nhất là từ năm 2016