Thủy sản Ninh Thuận trong chiến lược phát triển kinh tế biển
Là một phần của biển Đông Tổ quốc, vùng biển tỉnh Ninh Thuận được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản, có nhiều tiềm năng lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn.
Trải dọc qua địa bàn 5 huyện, thành phố, với bờ biển dài 105 km, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2 và diện tích vùng biển nội thuỷ 1.800 km2, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển.Vùng biển tỉnh Ninh Thuận được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản, có nhiều tiềm năng lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn. Từ thực tế điều kiện trên, việc tập trung phát triển ngành thủy sản được nhấn mạnh trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản với mục tiêu hướng ra khơi xa.
Ông Hoàng Viết Sung, chủ tàu cá 130 CV tại làng biển Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải), chia sẻ: “Tôi làm chung với tàu lưới vây 550 CV của anh Huỳnh Thanh Chi, người vừa có chuyến đi Trường Sa về. Để đánh bắt cá có giá trị kinh tế cao, chúng tôi đang rời bỏ dần vùng lộng để chuyển sang nghề vây khơi đi đánh bắt ở biển xa”. Trong mùa vụ khai thác cá năm qua, dù thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường, nhưng ngư dân vẫn đánh bắt hiệu quả với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 98.500 tấn, vượt 15,79% kế hoạch và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với năm 2015, năm cuối kế hoạch 5 năm 2011-2015, chỉ đạt sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 71.655 tấn, rõ ràng lĩnh vực khai thác hải sản đã có sự tăng trưởng mạnh.
Điều đáng lưu ý là cá đánh bắt được ở vùng biển Ninh Thuận luôn có chất lượng ngon, giá bán cao hơn cá khai thác ở các ngư trường khác. Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, vị ngon của cá thu đầm đăng Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) không biển nơi nào sánh bằng, cá bè cu đánh bắt trên vùng biển Ninh Thuận cũng ngon nức tiếng. Ngay cá cơm, chiếm hơn 70% sản lượng hải sản khai thác hằng năm, nhờ đặc điểm chất lượng hơn nên được coi là yếu tố quyết định để chế biến ra nước mắm thơm ngon, trong đó nổi tiếng là đặc sản nước mắm Cà Ná (Thuận Nam). Vì vậy nếu xây dựng được thương hiệu của những sản phẩm này sẽ giải quyết vấn đề tiêu thụ, tạo động lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển địa phương. Bên cạnh đánh bắt ở vùng biển gần, một bộ phận ngư dân đã vươn ra khai thác tại các ngư trường vùng biển Trường Sa- giàn khoan DK1. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 399 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, trong đó có 30 tàu dịch vụ và 369 tàu khai thác.
Nhưng nói đến sự tăng trưởng của ngành Thủy sản, không thể không nhắc tới kết quả đạt được của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nằm ở trung tâm vùng nước trồi, có nhiều bãi rạn san hô làm nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn và phát triển; vùng biển có độ mặn ổn định, môi trường biển trong sạch nên còn thích hợp phát triển NTTS.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, năm 2017 thu hoạch tôm thương phẩm toàn tỉnh ước đạt khoảng 7.436 tấn, vượt 0,5 % kế hoạch và 16,7 % so với cùng kỳ. Mặc dù tình hình thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nghề nuôi tôm thương phẩm vẫn tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình nuôi ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho cư dân các vùng ven biển. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống thuỷ sản, những năm qua thương hiệu tôm giống Ninh Thuận ngày càng được người NTTS cả nước biết đến. Nếu năm 2015 sản lượng tôm giống đạt 24,1 tỷ con thì năm nay con số ấy là 24,7 tỷ con giống (trong đó có 19,5 tỷ con tôm thẻ giống và 5,2 tỷ con tôm sú giống), vượt 3,6 % kế hoạch năm và tăng 13,2 % so với cùng kỳ, chưa kể còn có hàng trăm triệu con giống thủy sản khác cũng được sản xuất phục vụ NTTS. Đồng chí Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định: “Sự gia tăng giá trị sản xuất của lĩnh vực NTTS đã giúp thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế biển”.
Trước vị thế của kinh tế biển, theo định hướng phát triển thủy sản năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Ninh Thuận sẽ nâng năng lực đánh bắt lên 2.790 tàu cá, với tổng công suất 350.00 CV; khai thác hải sản đạt sản lượng 105.400 tấn; NTTS đạt sản lượng 10.135 tấn (riêng tôm nuôi là 7.850 tấn) và sản xuất giống thủy sản đạt 27,15 tỷ con, trong đó có 27 tỷ tôm post giống. Có thể thấy trong chiến lược phát triển nền kinh tế hướng ra biển, các ngành khai thác hải sản, chế biến thủy sản, NTTS và sản xuất giống đang đóng vai trò động lực quan trọng.